Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Sau khi Tướng Giáp qua đời ngày 4.10.2013, có mấy tờ báo gọi điện cho tôi đặt bài viết về Ông. Sáng hôm sau, tôi đã viết bài này với một tâm trạng bồi hồi khó tả. Những kỷ niệm về Ông đã qua đi 35 năm rồi mà vẫn nhớ như in. Hôm qua báo đã đăng bài này, và bây giờ trên trang của mình, tôi xin gửi tới bạn:

Lâu nay tôi vẫn nghĩ, Tướng Giáp không phải là một vị tướng huyền thoại, mà là một vị Tướng có thật trong đời. Không cần thêu dệt về Ông, chỉ sự thật đã đủ làm Ông thành một vị Tướng vĩ đại của lịch sử Việt Nam, một vị Tướng điển hình của chiến lược “lấy yếu thắng mạnh” và kết thúc bằng chiến thắng. Ông cũng là vị Tướng nằm trong “Top ten tướng lĩnh” của thế giới, mà tôi chưa bao giờ nghi ngờ. Trong cuộc đời lính tráng của tôi, điều may mắn nhất là đã được làm lính của Ông chứ không phải của một người khác, bởi Ông là một Tư lệnh đại tài, một vị Tướng Nhân Văn.

Tối 4.10.2013 tôi được tin Tướng Giáp từ trần. Vậy là trái tim Ông đã vĩnh viễn yên nghỉ, nhưng tên tuổi của Ông lại được nhân lên bất tận trên các trang báo giấy, báo mạng, và trên môi biết bao người.

Cũng như người Thầy vĩ đại của mình, Tướng Giáp đã đi trọn con đường Cách mạng vì Dân, vì Nước và vì Đảng mà Bác Hồ đã vạch ra. Một người lính trọn đời vì lý tưởng Độc lập – Tự do – Dân giàu – Nước mạnh.

Với tôi, Tướng Giáp là một thần tượng của tuổi trẻ thời chiến tranh. Và thật may mắn, có lần tôi đã được gặp ông.

Đó là vào cuối năm 1976, Tướng Giáp vào thăm và kiểm tra đoạn đường sắt từ Minh Cầm (Quảng Bình) tới Tiên An (Quảng Trị) do quân đội xây dựng. Cùng đi với ông, có hai nhà văn tôi biết là Hồ Phương và Hữu Mai. Lúc ấy tôi phụ trách đội văn công xung kích Sư đoàn 341B, một đơn vị sau chiến tranh chuyển sang làm nhiệm vụ khôi phục đường sắt Thống Nhất. Đồng chí Chính ủy nói với tôi: “Đại tướng muốn xem văn nghệ. Đồng chí chuẩn bị chương trình để tối mai biểu diễn phục vụ Đại tướng nhé”. Tôi tuân lệnh, và suy nghĩ lựa chọn tiết mục cho đêm diễn quan trọng này.

Đó là thời điểm đoạn đường sắt Thống Nhất sắp hoàn thành, chỉ còn mấy tuần nữa là thông tàu, cũng là thời điểm chúng tôi đang chuẩn bị chương trình tham gia hội diễn văn nghệ Quân khu và phục vụ lễ thông tàu. Các tiết mục của chúng tôi có cả cũ lẫn mới, phần nhiều là những tiết mục tự biên, và với số diễn viên khoảng bốn chục người. Tôi nghĩ, phục vụ Đại tướng tốt nhất phải là những tiết mục nói về bộ đội làm kinh tế trong giai đoạn mới, mà cụ thể ở đây là chủ đề “đường tàu thống nhất”. Thế là một chương trình nghệ thuật tổng hợp được đưa ra có đơn ca, tốp ca, có ngâm thơ và hoạt cảnh dân ca miền Trung, có cả tấu hài và tổ khúc hợp xướng 3 chương hẳn hoi. Thường thì đêm diễn khoảng 90 phút, nhưng chúng tôi chỉ chọn diễn 60 phút.

Đêm diễn hôm đó tại hội trường Sư Đoàn trên vùng đồi núi Lệ Kỳ, khá hồi hộp. Anh em trong đoàn chuẩn bị thật chu đáo. Gần đến giờ diễn, hội trường đã đông kín người, chỉ còn hàng ghế đầu dành cho đoàn của Đại tướng và lãnh đạo đơn vị là còn trống. Đúng 19 giờ 30’, Đại tướng xuất hiện cùng các quan khách. Cả hội trường đứng lên vỗ tay không ngớt. Ông vẫy tay chào mọi người. Tôi đứng sau cánh màn sân khấu nhìn thấy Tướng Giáp với nụ cười hiền lành đang giơ hai tay ra hiệu cho mọi người ngồi xuống. Tôi bấm hồi chuông báo hiệu buổi biểu diễn bắt đầu.

Từ sau cánh gà sân khấu, tôi chọn điểm nhìn về phía Tướng Giáp. Ông xem rất chăm chú và thỉnh thoảng gật gật đầu khích lệ. Sau mỗi tiết mục ông thường vỗ tay dài. Đến tiết mục tấu hài kể chuyện bộ đội làm đường tàu thì thấy ông vui cười thật hồn nhiên.

Khi chương trình biểu diễn kết thúc, cả đoàn ra sân khấu chào khán giả, chỉ riêng tôi vẫn đứng sau cánh gà để quan sát. Bỗng thấy Đại tướng cùng mấy vị lãnh đạo đi lên sân khấu. Ông tặng hoa và bắt tay từng người. Bỗng Ông dừng lại và hỏi:

- Đồng chí Trọng Tạo đâu?

Chả là trong chương trình biểu diễn có một số tiết mục được giới thiệu là sáng tác của Trọng Tạo.

Tôi bất ngờ trước câu hỏi của Đại tướng. Chưa kịp chạy ra sân khấu thì đã nghe tiếng gọi của đồng chí Chính ủy: “Trọng Tạo đâu rồi?”. Tôi đi nhanh về phía Đại tướng và đứng nghiêm: “Báo cáo Đại tướng, Trọng Tạo đây ạ”. Đại tướng bắt tay tôi. Một cảm giác rất lạ như chuyền khắp cơ thể tôi. Một bàn tay thật ấm, dày và thật mềm mại. Có lẽ không ai nghĩ Tướng Giáp, một vị Tổng tư lệnh của quân đội đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh lại có đôi bàn tay ấm, dày và mềm như thế. Tuy không thạo tướng số nhưng đọc sách thì biết đây là bàn tay của người tài ba và nhân hậu. Tôi nắm bàn tay của Ông và nghe ông nói:

- Đồng chí sáng tác tốt lắm. Tôi rất thích hợp xướng “Đường tàu thống nhất” – Ông cười và nói tiếp – Nhưng đồng chí gửi cho tôi bài hát “Tiếng ca người mở đá” và “Tôi là con tàu suốt” nhé. Tôi chơi piano được đấy.

Vậy là ông đã chọn hai bài hát ngắn. Bài “Tiếng ca người mở đá” tôi viết cho giọng nữa trung (anto) Khánh Bảo hát, và bài “Tôi là con tàu suốt” viết cho tốp nam. Cả hai tiết mục này đêm đó diễn rất thành công.

Hôm sau, nhà văn Hữu Mai tìm tôi để lấy hai bản nhạc cho Tướng Giáp. Năm sau tôi chuyển về Tổng cục Chính trị để chuẩn bị đi học trường Viết Văn, gặp lại nhà văn Hữu Mai, ông  nói với tôi:

- Anh Văn đã chơi hai bài hát của cậu trên piano. Khi tớ vào thăm, anh Văn vẫn hỏi thăm về cậu đấy. Anh ấy bảo nếu cậu ra Hà Nội rồi thì tớ đưa cậu đến chơi…

Nhưng rồi tôi chưa bao giờ gặp lại Tướng Giáp. Nhà văn Hữu Mai cũng đã qua đời. Và giờ đây, vị Tướng tài ba và nhân hậu ấy cũng đã ra đi…

Tôi nhớ, có lần đi qua đường Hoàng Diệu thấy nhiều người mang lẵng hoa đi vào nhà Tướng Giáp, mới chợt nhớ hôm đó là sinh nhật Ông, cũng là ngày sinh nhật của tôi, 25 tháng 8. Tôi quay về rủ Nguyễn Thụy Kha đến 108 uống rượu với nhạc sĩ Văn Cao, chai rượu ông hẹn để dành cho sinh nhật tôi… Và câu chuyện hôm đó chúng tôi nhắc nhiều về Tướng Giáp. Văn Cao nói: “Tớ rất yêu tướng Giáp. Đó là một vị tướng rất nhân văn”. Đó là năm 1992.

Cũng năm đó, Tướng Giáp đến thăm Văn Cao. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã lưu được những tấm ảnh “Hai Anh Văn” tại 108 Yết Kiêu, có ảnh vui và có ảnh cả hai người đều rất ưu tư.

Bây giờ vị Tướng Nhân Văn ấy đã ra đi, tôi không buồn mà rất nhớ. Một con người đã đi qua mấy cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Một con người nổi tiếng toàn thế giới qua hai thế kỷ và còn tạc mãi vào lịch sử oai hùng. Một con người đã qua bách niên mà vẫn không nguôi nỗi niềm thương Dân thương Nước. Tôi không dám nói lời chia buồn, mà muốn Chúc mừng Ông đã tới cõi Vĩnh Hằng!…

Hà Nội, 5.10.2013

Theo Nguyễn Trọng Tạo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts