Sinh ra và lớn lên ở Huế, một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta, anh Mùi có cơ sở để say mê và giỏi giáo lý nhà Phật. Tôi còn nhớ anh nói: “Hai yếu tố căn bản trong tinh thần Phật giáo là Vô uý và Từ bi. Ở nước ta, người ta hay nói đến Từ bi. Từ bi là đem vui và cứu khổ. Nhưng Vô uý thì ít người hiểu. Vô uý nghĩa là không sợ và làm cho không thấy sợ. Vô uý và Từ bi có mối quan hệ biện chứng: Vô uý để Từ bi, và Từ bi là cơ sở của Vô uý.”
(Bài nói tại Hội nghị Đại số-Hình học-Tôpô toàn quốc mừng GS Huỳnh Mùi 60 tuổi, Đà Lạt 11/2003, và đã in Thông tin Toán học của Hội Toán học VN 11/2003)
Mùa thu 1977, Đại hội Toán học toàn quốc đầu tiên sau ngày Thống nhất đất nước họp tại Hà Nội. Không khí hồ hởi tưng bừng của Mùa xuân sum họp 1975 vẫn còn đó, tràn cả vào Đại hội. Đó là Đại hội Toán học toàn quốc đông vui và nhiều màu sắc chính trị nhất từ trước đến nay: các nhà toán học hai miền Bắc Nam lần đầu tiên gặp mặt, cùng với rất đông các nhà toán học Việt kiều. Lúc ấy có lẽ chưa ai nghĩ được rằng một giai đoạn vô cùng gian khổ sắp đến với cả dân tộc một vài năm sau đó.
GS Mùi và con trai Huỳnh Huy Tuệ (1986)
Trong số những Việt kiều năm ấy có một người ít nói. Anh về chuyến này không phải là để thăm Tổ quốc, mà là để sống lâu dài trên mảnh đất này. Đó là Huỳnh Mùi, tiến sĩ toán học của Đại học Tokyo. Phải nói ngay rằng anh Mùi không thích được gọi là Việt kiều. Anh thường tâm sự: Thời gian anh ở nước ngoài không nhiều hơn thời gian nhiều người khác ở Liên Xô hay Ba Lan. Nếu không gọi những người này là Việt kiều thì cũng đừng gọi anh như vậy. Nhu cầu được hoà đồng của anh Mùi rất lớn. Nhiều người bảo anh về nước là dại, có người lại bảo anh khôn. Thuở ấy tôi còn quá trẻ để hiểu thế nào là khôn dại. Tôi chỉ thấy mừng là được cùng làm việc với anh trong một tổ bộ môn.
Ngay học kỳ đầu năm học 1977-78, tôi đã có ấn tượng mạnh với những bài giảng sâu sắc và chuyên nghiệp của anh Mùi ở seminar. Anh trình bày công trình của giáo sư T. Nakamura (thầy của anh ở ĐH Tokyo) trong việc “phân rã” đồng điều của tích đối xứng vô hạn của mặt cầu (mà người ta đã biết) để tìm đồng điều của tích đối xứng hữu hạn của mặt cầu. Nakamura đã đưa ra một phân ngăn tuyệt đẹp, bất biến dưới tác động của nhóm đối xứng, trên các mặt cầu với số chiều nào đó. Phân ngăn này cho phép người ta hiểu được tường minh Bar construction của không gian Eilenberg–MacLane K(Z,n), một khái niệm vốn chỉ mang ý nghĩa lý thuyết. Tôi không ngờ rằng công trình này của Nakamura sẽ trở thành một trong những công trình mà tôi nắm vững nhất. Nhờ đó, năm 1994 tôi đã chỉ ra cho V. A. Vassiliev – một học trò của V. I. Arnold – thấy rằng phân ngăn mà anh ta rất tâm đắc trong cuốn sách nổi tiếng của anh ta về Lý thuyết nút (có bản dịch tiếng Anh) chỉ là một cách trình bày rất khó hiểu của phân ngăn Nakamura.
Đầu năm 1978, tôi xin được học với anh Mùi. Sau này, khi biết tôi là học trò đầu tiên của anh, nhiều người bảo rằng tôi may. Đúng là tôi may thật. Có điều, cái may mắn ấy không phải ai cũng nhận ra và sẵn sàng đón nhận. Trước tôi, đã có 3-4 người xin học với anh Mùi. Nhưng họ đã bỏ cuộc sau vài tháng, vì không quen học theo chiều sâu.
Hồi ấy anh Mùi thường làm việc thâu đêm, liên tục nhiều tuần lễ. Tới khi mệt rũ xuống, anh lăn ra ngủ mấy ngày liền, chỉ trừ những lúc thức dậy để ăn uống. Nhiều đêm tôi ở lại nhà anh làm toán rất khuya với anh. Những đêm như thế, chúng tôi thường kết thúc công việc bằng một nồi mì chần, ăn với moi, một loại tôm khô nhỏ xíu mà anh gửi mua ở Huế. Đó là những ngày tháng đẹp, nghèo mà tĩnh tâm, lòng thanh thản; những ngày tháng mà tuổi trẻ của tôi đối mặt với khát vọng sáng tạo.
Nguyên chủ tịch Hội toán học Nhật Bản Shigeru Itaka (giống người Việt hơn người Việt) và anh Huỳnh Mùi (giống người Nhật hơn người Nhật), 1996 |
Trong rất nhiều cách làm Toán, ta chọn cách nào? Để trả lời câu hỏi này, cần có một cái nhìn điềm tĩnh. Ngày nay, cứ vài năm lại xuất hiện một mode mới, có thể ví như thời trang, trong Toán học. Người ta đổ xô vào hướng mới này, khai thác nó chừng mươi năm thì nó hết mode. Sẽ có đôi ba người thành danh với mode này, đại đa số những người khác bị chìm vào quên lãng. Nhìn nhận hiện tượng đó, anh Mùi cho rằng, trong điều kiện khó khăn và cô lập về thông tin của Việt Nam, ta nên bình thản làm “thứ Toán của ta”. Điều này hàm nghĩa không nên chạy theo những trào lưu thời thượng. Trái lại, nên đầu tư vào những hướng nghiên cứu đã được thời gian thử thách, chúng không mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Những hướng này thường đòi hỏi một khối lượng lao động lớn, mà những người thích chạy theo trào lưu thường không đủ kiên nhẫn để làm việc. Nói thì đơn giản như thế, nhưng làm thế nào để cho “thứ Toán của ta” được đồng nghiệp quốc tế thừa nhận là thứ đáng quan tâm? Anh Mùi căn dặn chúng tôi luôn luôn làm toán một cách cụ thể, với nhiều ví dụ minh hoạ, tránh xa thứ toán học mà người phương tây gọi là abstract non-sense. Anh cũng dạy chúng tôi nắm vững sự phát triển của những bài toán lớn trong chuyên ngành, dũng cảm theo đuổi những mục tiêu lâu dài, đồng thời kiên nhẫn chiếm lĩnh từng mục tiêu trước mắt. Nếu không có mục tiêu lâu dài, người ta khó tiến xa. Mặt khác, nếu chỉ ôm mộng đẹp mà không tiến từng bước cụ thể, người ta dễ trở thành viển vông. Cố nhiên, chúng tôi không có ý định áp đặt tiêu chí lựa chọn hướng nghiên cứu của chúng tôi cho bất kỳ ai khác.
Trong khoảng 15 năm, anh Mùi đã đào tạo được 10 tiến sĩ (Nguyễn Hữu Việt Hưng, Phạm Việt Hùng, Phan Doãn Thoại, Nguyễn Việt Dũng, Nguyễn Huỳnh Phán, Phạm Anh Minh, Nguyễn Viết Đông, Nguyễn Ngọc Châu, Tôn Thất Trí, Nguyễn Gia Định), không kể những người mà anh làm hướng dẫn phụ. Chúng tôi, những học trò của anh Mùi, có chung một đặc điểm: Chúng tôi vốn được xem là những thứ phẩm của nền giáo dục Việt Nam. Thời đó, những người giỏi giang đều đã được cử đi học nước ngoài. Đi nước ngoài dường như là con đường tiến thân duy nhất. Vì thế mà người ta chờ đợi, đôi khi tranh giành một suất “đi tây”. Tâm lý chờ đợi như thế đã làm thui chột biết bao tài năng. Những kẻ không được chọn lựa như chúng tôi thì tương lai thật mờ mịt. Chính trong bối cảnh ấy, anh Mùi đã gieo vào chúng tôi niềm tin thật nhân bản rằng nếu chúng tôi biết và đủ can đảm lao động cật lực thì chúng tôi cũng sẽ có được nghề nghiệp vững vàng. Bài học lớn nhất mà anh Mùi dạy tôi là đứng vững trên đôi chân của chính mình bằng lao động. Anh thường nói: Khi nào cần đi nước ngoài thì ta sẽ đi. Không sợ không có dịp “đi tây”, chỉ sợ không có gì để nói khi sang bên ấy. Những quan điểm của anh Mùi về quan hệ quốc tế, đặt cơ sở trên thực lực của chính mình, hoàn toàn xa lạ với những mẹo vặt. Trên nền tảng những quan điểm ấy, chúng tôi đã xây dựng những mối hợp tác quốc tế mà chúng tôi có cho tới nay.
Thường ngày anh Mùi không phải là một người nói năng trôi chảy, thậm chí đôi khi anh tỏ ra khó khăn trong việc diễn đạt. Thế nhưng, khi viết các bài báo khoa học bằng tiếng Anh, anh Mùi có một đòi hỏi rất cao và một kinh nghiệm tốt về diễn đạt. Tôi xin nêu một ví dụ: Bài báo khoa học dài hơi đầu tiên của tôi (sau này được in thành 40 trang trên tạp chí Japanese Jour. Math.) đã được anh Mùi tu chỉnh trong suốt ... 12 tháng. Hồi ấy, phải nói thực là tôi rất nản lòng. Nhưng về sau, tôi hiểu ra rằng mình nên người được chính nhờ ở sự nghiêm cẩn ấy của anh. Mỗi học trò của anh Mùi đều đã từng trải qua một tình huống tương tự. Anh Mùi không bị câu thúc về mặt thời gian khi cho các học trò của mình bảo vệ. Anh muốn họ tận dụng thời gian làm luận án để học và nghiên cứu theo chiều sâu, đặng đủ sức tự lập khi ra đời.
Trong nghiên cứu Toán học, anh Mùi thuộc trường phái cổ điển: anh có nhiều ý hay, nhưng công bố rất ít. Anh chống lại khuynh hướng “xé nhỏ bài để công bố”. Nhiều lần tôi chứng kiến anh sửa sang một bài báo hàng năm trời. (Fred Cohen, một tên tuổi cự phách của làng Tôpô-đại số thế giới, có lần tâm sự với tôi rằng: kinh nghiệm làm Editor cuả nhiều tạp chí trong nhiều năm cho anh thấy rằng quan niệm thế nào là một bài báo thay đổi từ người này sang người khác và từ ngành này sang ngành kia; nó phản ảnh văn hoá toán học của chủ thể.) Có nhiều ý hay anh Mùi đã dành cho nghiên cứu sinh thực hiện. Thật ra, với những ý tưởng và lao động mà anh đã đóng góp, anh đáng ra phải là đồng tác giả của từ 3 đến 5 bài báo cùng với mỗi nghiên cứu sinh của mình. Tổng cộng, anh đáng ra phải có thêm từ 30 đến 50 bài báo viết chung với 10 nghiên cứu sinh mà anh đã hướng dẫn thành công. Như thế, anh sẽ trở thành một người có nhiều công trình. Nhưng anh Mùi không làm cái việc “đẽo chân cho vừa giầy”. Anh là một người hướng nội, bình thản sống theo những tiêu chí của riêng mình, và không để ý đến những cái thước mà xã hội dùng để đo sự thành đạt. Dù công bố ít, anh Mùi có những công trình để đời. Tôi sẵn lòng xin đổi toàn bộ những gì mà tôi đã viết chỉ để lấy một bài báo 50 trang mà anh Mùi công bố trên tạp chí của Đại học Tokyo 1975. Nhưng như thế là tôi tham, bởi vì bài báo này là điểm khởi đầu cho một hướng nghiên cứu đang phát triển trên thế giới: ứng dụng lý thuyết bất biến modular vào lý thuyết đồng luân. Bài báo này đã được trích dẫn trong hàng trăm bài báo khoa học và nhiều cuốn sách chuyên khảo. Hơn 20 năm qua, tôi vùng vẫy mãi mà chưa ra khỏi được hướng nghiên cứu do bài báo này khởi xướng.
Nhân nói về số lượng và chất lượng, tôi muốn nhìn sang lĩnh vực văn chương, ở đó ta có thể học được đôi điều lý thú. Tôi yêu Quang Dũng không chỉ vì nhân cách của ông giữa cuộc đời nhiều hệ lụy này. Với tư cách tác giả của “Tây tiến” và “Đôi mắt người Sơn Tây” (bên cạnh những bài thơ hay khác của mình), Quang Dũng dường như đã chắc chắn trở thành bất tử. Sinh thời, ông lặng lẽ đi bên lề nền Văn học Việt Nam. Một cách tương phản, tôi không giấu diếm việc không thích và không đánh giá cao thơ Xuân Diệu. Sự sàng lọc của thời gian mới nghiệt ngã làm sao.
Khoảng đầu những năm 1990, trong bối cảnh chừng 10 năm liền không có sinh viên theo học ngành Toán, cũng không có thêm nghiên cứu sinh về Tôpô-đại số ở khoa Toán-Cơ-Tin học chúng tôi, anh Mùi rời Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đó, anh không làm toán nữa, mặc dù anh vẫn hướng dẫn đến hoàn tất một vài nghiên cứu sinh đang làm dở. Đó là một nỗi buồn, một tổn thất lớn đối với chúng tôi. Đôi khi, gặp những vấn đề hóc búa, tôi vẫn đem tới thảo luận với anh Mùi. Tôi kinh ngạc nhận ra rằng anh vẫn ấp ủ những ý rất sâu. Tôi hỏi: “Sao những ý hay như thế anh không viết ra?” Anh nói, cố làm ra vẻ bông đùa: “Mình già rồi. Có đứa nghiên cứu sinh nào thì bày cho nó làm thôi”. (Gần đây, anh đã hướng dẫn một số khoá luận tốt nghiệp của sinh viên hệ Cử nhân khoa học tài năng, và mới thu nạp một nghiên cứu sinh.)
Để có một cái nhìn khách quan về nhóm làm việc của chúng tôi do anh Mùi khởi xướng, tôi xin dẫn lời của C. B. Thomas, hiện là Editor duy nhất của tạp chí Math Proceedings of the Cambridge Philosophical Society, trong bài Review viết về cuốn sách Cohomology of finite Groups của A. Adem và J. Milgram. Tất nhiên, các tác giả của cuốn sách chuyên khảo này có quyền viết hoặc không viết về những công trình nào đó. Lý do của sự chọn lựa có thể là khẩu vị, mà cũng có thể đơn giản chỉ vì yêu ghét cá nhân. Còn độc giả thì lại có quyền chờ đợi và đòi hỏi cuốn sách trình bày những vấn đề nào đó. Trong bài Review, sau khi đánh giá tốt cuốn sách nói trên, C. B. Thomas đã chỉ ra những công trình của một số đồng nghiệp đáng lẽ phải được trình bày trong cuốn sách đó. Ông viết:
“But it is marred by a lack of generosity towards other workers in the field. One looks in vain for acknowledgement of the work of D. Green..., ...J. Huebschmann..., B. Kahn..., I. Leary..., and, most sadly, of the very active Vietnamese school. ”
Rồi ông hy vọng rằng những thiếu sót đó sẽ được bổ sung trong lần xuất bản thứ hai của cuốn sách. (Bulletin London Math. Soc. Vol 29, Issue 1 (1997), trang 123)
Tôi tin rằng trong phong thái điềm tĩnh và quyết đoán của anh Mùi có nhiều yếu tố bắt nguồn từ Phật giáo. Sinh ra và lớn lên ở Huế, một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta, anh Mùi có cơ sở để say mê và giỏi giáo lý nhà Phật. Tôi còn nhớ anh nói: “Hai yếu tố căn bản trong tinh thần Phật giáo là Vô uý và Từ bi. Ở nước ta, người ta hay nói đến Từ bi. Từ bi là đem vui và cứu khổ. Nhưng Vô uý thì ít người hiểu. Vô uý nghĩa là không sợ và làm cho không thấy sợ. Vô uý và Từ bi có mối quan hệ biện chứng: Vô uý để Từ bi, và Từ bi là cơ sở của Vô uý.” Chúng tôi, những học trò của anh Mùi, đã cảm nhận được rõ ràng cái tinh thần Vô uý và Từ bi trong những công việc của anh, đặc biệt khi anh dậy dỗ và chăm sóc những kẻ không may mắn như chúng tôi.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét