“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, “chiêu hiền đãi sĩ” xưa nay luôn là quan tâm của xã hội. GS Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Toán học phối hợp Việt – Pháp diễn ra tại TP Huế (năm 2012). Nhân dịp cả xã hội đang quan tâm đến việc đổi mới giáo dục, BBT xin đăng lại bài viết này.
PV: Thưa Giáo sư, là nhà toán học nổi tiếng rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng tài năng đất nước, ông nhìn nhận ra sao về sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao của nước ta hiện nay?
GS Ngô Bảo Châu: Trong phạm vi chuyên môn, tôi xin nói riêng về lĩnh vực nguồn nhân lực khoa học-kỹ thuật. Bất cập lớn nhất là số lượng các nhà khoa học kỹ thuật ở Việt Nam có trình độ chất lượng quốc tế không nhiều. Bên cạnh đó họ lại rất khó làm việc với nhau, mà cách tốt nhất để tiến bộ là hợp tác cùng làm việc. Do điều kiện để các bạn có đề tài cùng làm việc với nhau chưa nhiều nên hội đồng khoa học cần phải tạo thuận lợi cho các bạn trẻ có cơ hội làm việc cùng nhau.
PV: Xét mối quan hệ cung - cầu, nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội về chất lượng nguồn nhân lực cao cấp. Ý kiến Giáo sư là gì ?
GS Ngô Bảo Châu: Có thể nói, chất lượng chung của cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học, theo tôi đang đi xuống, gặp phải nhiều bất cập. Tôi nghĩ chúng ta cần phải quan tâm đến “độ vênh” giữa dư luận xã hội và thực tế. Tất nhiên, độ vênh ấy sẽ có nhiều tầng mức khác nhau. Phải chấp nhận chất lượng cạnh tranh trong khoa học sẽ tự quyết định chất lượng giảng dạy trong giáo dục đại học. Nếu không có đội ngũ giáo viên đại học có trình độ nghiên cứu khoa học sẽ không có cách nào để kiểm duyệt chất lượng giảng dạy đại học, vì giáo dục ĐH không giống như ở thời cấp I mà một bài giảng cứ giảng đi giảng lại. Ở trình độ đại học, người giảng dạy phải có tư duy nghiên cứu khoa học, phải có mạng lưới liên kết giữa các nhà nghiên cứu trên thế giới thì chất lượng đào tạo mới có hiệu quả.
PV: Trong đào tạo và sử dụng nhân tài, chúng ta đang gặp phải vấn đề gì, thưa Giáo sư?
GS Ngô Bảo Châu: Thứ nhất, các chương trình của chúng ta thường khi bắt đầu thì hoạt động tương đối tốt, xây dựng được danh tiếng một chút trên thế giới, nhưng rồi chúng ta lại bỏ bê. Thí dụ như chương trình tìm kiếm tài năng chẳng hạn, lúc đầu thì cũng không ai biết đến, sau rồi đến các trường đại học công nhận, và khi người ta biết đến chương trình đó toàn những sinh viên khá rồi thì lại bỏ bê. Tất cả những gì chúng ta làm tốt đáng ra sắp tới ngày hái quả thì chúng ta lại bỏ đi làm cái khác. Theo tôi nghĩ xây dựng được danh tiếng rất là khó, phải dùng năng lượng khổng lồ thì chúng ta mới xây dựng được một chương trình có tên tuổi, thì chúng ta lại bỏ đi xây dựng cái khác thì điều đó rất là lãng phí. Tôi nghĩ là các chương trình của Nhà nước thì không đơn thuần là cú hích, mà nhiều khi phải có một độ mượt, dẻo dai nhất định.
Thứ hai, vấn đề đầu ra là cái rất lớn và một cái gì đó rất là phi lý. Chúng ta không thể giải quyết trọn vẹn vấn đề lương bổng của Nhà nước. Thực tế, chúng ta chưa hoàn toàn có những mục đích gì để lôi cuốn các bạn trẻ ngoài những cái chế tài. Có một điều rất vô lý là những người đi nghiên cứu sinh khi quay trở về Việt Nam lại không được chào đón.
Thứ ba, môi trường đại học có nhu cầu tự do rất lớn. Tự do ở đây theo nghĩa đơn thuần là các công trình nghiên cứu của họ phải tự đặt ra vấn đề chứ không phải được chỉ đạo. Tôi cũng tham gia giúp đỡ nhiều các đề án ở các trường đại học Việt Nam, thì hầu hết các đề án đều bắt đầu từ lãnh đạo của nhà trường, hiệu trưởng, hiệu phó đi đến ký kết và ký kết xong thì bắt tay ngay vào thực hiện những ký kết đó.
Trong thực tế, việc ký kết thì nhiều, số tiền bỏ ra cũng nhiều, song cuối cùng vẫn không ra được kết quả thực tế. Nói chung là chúng ta phải làm từ dưới lên, chứ không phải làm từ trên xuống.
PV: Một số tỉnh, một số địa phương đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài như cấp nhà, đất hay trả lương cao, nhưng dường như đãi ngộ về vật chất đó vẫn chưa đủ để thu hút nhân tài?
GS Ngô Bảo Châu: Theo tôi nghĩ các nhà khoa học thì không ai nghĩ mình sẽ ở đâu đó vĩnh viễn hết, họ chỉ nghĩ rằng địa phương đó, cơ sở đó có thể phát triển công việc nghiên cứu của họ được không.
Bên cạnh những điều kiện về vật chất thì cần có những điều kiện thuận lợi khác để các nhà khoa học phát triển công việc chuyên môn của mình. Bên cạnh đó phải làm thế nào cho họ thấy công việc của họ được cơ quan, đồng nghiệp coi trọng. Họ không mất thời gian vào các chuyện vụn vặt khác. Chẳng hạn, tôi lấy thí dụ, kể cả khi nhà khoa học có thuận lợi về kinh phí để làm việc, thì cơ chế hiện tại làm cho họ rất mất nhiều thời gian vào những chuyện vô bổ. Họ chỉ cần tuyển một người để làm việc chất lượng cho họ. Có tiền đã là việc làm khó nhất rồi, nhưng khi chúng ta có tiền mà lại không tiêu được cho công việc thì cũng là vô ích.
Những người tài năng thường có những ý kiến phản biện xã hội và đôi khi có những phát ngôn theo chuyên môn của họ không thuận tai các nhà quản lý, các lãnh đạo. Vì thế, họ cần tìm đến những môi trường có bầu không khí làm việc thuận lợi và thoải mái ở những nước phát triển. Tôi nghĩ, những lãnh đạo không thấy thoải mái khi nghe những ý kiến trái chiều là những lãnh đạo kém. Một đất nước hơn 90 triệu dân có những người nói ngược lại mình thì đó là điều hết sức bình thường.
PV: Chung quanh những bất cập cũng như vướng mắc của việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở nước ta, Giáo sư chia sẻ những giải pháp gì?
GS Ngô Bảo Châu: Những vấn đề lớn về giáo dục, cũng như những vấn đề lớn về việc phát triển con người hay sức mạnh quần chúng là những vấn đề lớn phát triển theo xu hướng tích cực chứ không phải duy ý chí theo sự chỉ đạo.
Thí dụ như vấn đề học nhạc, học múa, kết cục là dùng ngân sách để mua các nhạc cụ. Ở cấp trên tưởng là rất lành mạnh, nhưng khi thực hiện lại là sự lãng phí. Nếu mà việc học nhạc, học đàn phát triển từ dưới lên, do nhu cầu nội tại của từng trường, của học sinh, hay của giáo viên đề xuất lên và bộ phê duyệt cho họ tự đi mua nhạc cụ, thì có khi lại có hiệu quả hơn rất nhiều.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Theo Nhân Dân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét