Để học bất cứ một ngôn ngữ lập trình nào những người mới bao giờ cũng phải trải qua 6 giai đoạn.
Quan niệm => Thử nghiệm => Trải nghiệm => Kiểm nghiệm => Chiêm nghiệm => Sáng tạo
1. Quan niệm
Hãy xác định nhiệm vụ học cho các bạn. Không có định hướng, không còn tầm nhìn bao quát về thế giới phần mềm và không có cá tính, bạn chắc rồi cũng rời bỏ sớm ngành phần mềm nếu không thì cũng chỉ là một coder hay tester ba phải, người mà lúc nào cũng chỉ được coi là một nhân vật bình thường về mọi mặt, không có sự nổi bật và luôn đứng đầu trong đề cử danh sách về hưu non.
Tiêu chuẩn số 1 của một nhà phát triển phần mềm giỏi là sự đề cao tự học. Trường lớp hay trung tâm không phải là nơi đáng tin cậy để học vì người giỏi ko bao giờ chịu mài đũng quần trên ghế bục giảng để giảng đi giảng lại một thứ kiến thức liên tục cũ đi sau vài tháng. Nếu người giỏi thích nói chuyện thì conference là chỗ của họ vì họ thích trao đổi với các industry expert chứ không phải là dọa dẫm học viên.
Diễn đàn này cũng có thể là nơi để học hỏi nhưng đừng nghĩ là người có hiểu biết sẽ trả lời bạn một cách tường tận và chi tiết như thể họ là ông nội của bạn vậy. Muốn họ trả lời hãy học cách hỏi, trước khi hỏi hãy search. Sau khi nhận được câu trả lời hãy search.
2. Thử nghiệm
PHP là một công nghệ bao gồm có 6 bộ phận:
+ Bộ thông dịch
+ Ngôn ngữ
+ Cấu trúc dữ liệu
+ Các thuật toán trên dữ liệu hay còn gọi là các API
+ Các công nghệ đi kèm hoặc có thể giao tiếp được với PHP.
+ Các best practice đặc thù của riêng công nghệ đó.
Hãy tập cài đặt bộ thông dịch PHP, Apache, MySQL và chạy triển khai các ứng dụng PHP có sẵn.
Hãy thử nghiệm ngôn ngữ PHP với các vòng lặp, điều kiện, in, nhúng HTML, làm quen function, method, class
Cấu trúc dữ liệu là một phần khác của PHP. Ở công nghệ này Hash, Array và Map đều được gộp vào kiểu array. Rất dễ chịu cho bạn khi bạn đã từng làm quen với các cấu trúc dữ liệu của C# hay Java.
Cấu trúc dữ liệu không phải là một cấu trúc chết. PHP cung cấp khoảng hơn 1000 function (API) xử lý nó. Array là một kiểu như vậy. DOM là một kiểu khác. Làm bài tập trên các API dạng này là một cách tốt để làm quen với ngôn ngữ và bộ thông dịch. Các bài tập có thể chỉ là in ra một cái resume, tạo một cái layout đơn giản nhất từ việc sử dụng include, tạo một form nhập liệu đơn giản, tạo một form upload đơn giản…
Tài liệu sách vở thì có rất nhiều. Bạn nên đọc các chương trong PHP Manual. Đọc các tutorial trên mạng và luyện tiếng Anh. Các ebook đáng chú ý:
++ Apress Beginning PHP and MySQL 5 From Novice to Professional 2nd Edition (2006)
++ Apress Beginning PHP and PostgreSQL E.Commerce (2006)
++ Prentice Hall PHP 5 Power Programming (2004)
++ O’reilly Programming PHP 2nd Edition (2006)
Các công nghệ đi kèm với PHP là một thế giới cực kì phức tạp. Bạn có thể sẽ làm quen với các công nghệ opcode hay biên dịch mã PHP ra mã nhị phân để chạy thay vì nhìn nó dưới dạng text. Nó là một extension nguồn mở của công nghệ PHP. Bạn cũng có thể quan tâm đến việc sử dụng PHP để giao tiếp với các hệ thống con trong Linux như shared memory, gettext, socket, stream… Socket và stream là các công cụ vạn năng để PHP giao tiếp với các hệ thống phần cứng và phần mềm. Bạn cũng có thể quan tâm đến sử dụng PHP và C trên cùng một file PHP thông thường hay nhúng mã dll của các thư viện trên Windows vào PHP và sử dụng lại. PHP làm việc này thông qua việc sử dụng một ext. mã nguồn mở do Wez viết có thể tải về PECL. Bạn cũng có thể quan tâm đến việc sử dụng PHP để viết các ứng dụng desktop mà bạn có lẽ vẫn dùng VB để viết bằng cách sử dụng thư viện GTK.
Tuy nhiên điều bạn có thể sẽ quan tâm hơn cả là liệu PHP được hỗ trợ như thế nào để giao tiếp với các hệ thống khác. PHP có thư viện để giao tiếp với Active Directory, LDAP, các hệ thống hỗ trợ SMTP/POP3/IMAP/FTP/SSL, SMS Gateway, GIS server, Router… PHP được Java hỗ trợ tốt để trở thành một công nghệ trên Java platform và nhờ đó bạn có thể gọi các gói Java để sử dụng lại hay sử dụng các application server của Java như Sun One Webserver, Glassfish application server thay cho Apache server hoặc sử dụng các dịch vụ Java khác như OpenSSO. JSON và XML được hỗ trợ buit-in trong PHP cũng là phần rất đáng tìm hiểu vì các nhà công nghiệp phần mềm ở các tổ chức chuẩn công nghiệp như OASIS, ECMA hay W3C sử dụng các gọi này để giúp PHP hỗ trợ kiến trúc Webservice/SOA, SDA, MDA (phần này do IBM đóng góp cho cộng đồng PHP)…..
Phần PHP giao tốt tốt nhất có lẽ là database. OCI do Oracle đóng góp, DB2 do IBM đóng góp, libmysql do MySQL AB đóng góp và pgsql do cộng đồng PostgreSQL đóng góp và luôn hỗ trợ các bản database mới nhất. Ngoài ra PHP có sẵn một database server SQLite nhúng đi kèm với mọi bản PHP 5.0+ có thể giúp bạn tiện trong việc xử lý các nhóm data nhỏ nhưng đủ mạnh mẽ như Access.
PHP là một công nghệ đặc biệt và nó có các đặc trưng riêng như share nothing. Điều này làm cho PHP có tính scalability rất tốt và được các mạng xã hội rất chuộng. Không phải ngẫu nhiên mà Tim Bray, giám đốc các công nghệ Web của Sun lại cho là PHP có tính scalable hơn Java trên tầng presentation (http://www.tbray.org/talks/php.de.pdf) trong khi từ trước đến nay họ vẫn tự hào là công nghệ Java cho họ thống trị thế giới web doanh nghiệp, các phần mềm ngân hàng và thị trường viễn thông, vượt trội cho với công nghệ .NET của Microsoft. Đặc điểm này của PHP cũng là tâm điểm tạo ra các best practice mà bạn cần khai thác khi lập trình với PHP.
3. Trải nghiệm
Là giai đoạn bạn bắt đầu quan tâm đến việc dùng PHP để code các ứng dụng sản xuất bằng việc tự tin sử dụng các API. Giai đoạn này hoàn toàn phù hợp với việc lấy một chứng chỉ Zend nếu bạn muốn. Tuy nhiên Zend chỉ chứng nhận bạn là có kĩ năng để nhớ API, một điều khá cần để code API với notepad Đặc trưng của giai đoạn này là thực hành để có các cảm nhận chung về kĩ năng code. Giai đoạn này sẽ đem lại cho bạn một niềm tự hào trẻ con nhưng rất cần thiết. Giai đoạn này bạn sẽ phải kết hợp PHP với CSS/XHTML, graphic design, SQL, web authoring, Javascript, web hosting, system scripting… Là một lập trình PHP, bạn tự biết mình phải đa tài hơn các lập trình viên ASP.NET, nơi tooling thống trị kĩ năng handcode, hơn Java, nơi mà kĩ năng viết business logic được chú trọng hơn
4. Kiểm nghiệm
Nếu như giai đoạn trải nghiệm là giai doạn code bung bét, bug tùm lum, bảo mật bằng không thì đây chính là lúc bạn quan tâm đến việc refactor lại code. Bạn có thể tạo ra nhiều function và class hơn trong một nỗ lực cố gắng làm cho chúng modular hơn. Bạn sẽ cố áp dụng các thư viện như PEAR hay Smarty, PHPSavant vào ứng dụng của bạn để làm cho cách code của bạn đi vào chiều hướng ổn định. Lúc này bạn đã thấy được sự cần thiết phải có một coding convention nhất quán. Bạn sẽ quan tâm đến bảo mật hơn. Giai đoạn này sẽ giúp bạn có một lối tư duy chín chắn hơn nhưng nhiều lo ngại hơn vì bạn cho rằng bạn vẫn chưa thực sự hiểu PHP.
5. Chiêm nghiệm
Đây là giai đoạn bạn đã tiến đến mức cao. Bạn đã nắm được bản chất của PHP. Bạn quan tâm đến cơ chế PHP vận hành ở mức compiler hơn. Bạn bắt đầu học UML, design pattern, tìm hiểu về các hệ thống lớn. Bạn đã vững vàng trong việc tạo ra các lớp và muốn tổ chức các lớp đó cho khoa học hơn. Bạn quan tâm đến các software engineering processes và tự hỏi làm sao để áp dụng XP, Scrum hay các agile methodology khác. Bạn sẽ quan tâm đến performance, object oriented engineering, database design, system architect, code review. Bạn sẽ bắt đầu chán Pear và ghét Smarty. Việc tương tác giữa PHP và các hệ thống khác như Python, Ruby, Jaav, Erlang .. trở nên quan trọng hơn với bạn lúc này vì cuối cùng thì bạn đã nhận ra PHP có nhiều điểm yếu nhưng không tới mức phải thay thế PHP bằng 1 giải pháp khác. Các công nghệ mã nguồn mở và tự do sử dụng phân phối như Java, Perl, Python, Ruby, JRuby, Groovy, Erlang, Lua… cho phép chúng tận dụng các thư viện của nhau cũng như các điểm mạnh riêng của nhau. Đó là thời gian bạn thấy sung sướng vì đã chọn 1 công nghệ nguồn mở như Java hay PHP hay Python.
6. Sáng tạo
Là giai đoạn cao nhất và cũng phức tạp nhất vì lúc này bạn đã hiểu công nghệ đến mức có thể triển khai các hệ thống lớn, customize và migrate các ứng dụng phức tạp. Có đủ tư duy và kiến trúc cũng như độ trải nghiệm thực tế để thiết kế hệ thống . Lúc này bạn đã có thể tự đặt cho mình mục tiêu làm các ứng dụng lớn với PHP kiểu như
+ Flickr: 60 000 LOC
+ Digg: 200 000 LOC
Bạn cũng có thể hoàn toàn tự tin dùng PHP để tạo ra các ứng dụng ERP, CRM, Forecast System vốn thường được code bằng Java, ASP.NET hay Delphi có truyền thống đắt đỏ, kén server, đòi hỏi nhiều tài nguyên. Lúc đó, PHP trong tay bạn đã vượt ra khỏi phạm vi của một công nghệ web vì bạn đã biết đủ PHP và mối quan hệ với các công nghệ bổ sung cũng như kinh nghiệm triển khai các công nghệ đó.
Bạn đột nhiên quan tâm nhiều đến các cuộc hội thảo. Bạn thấy kinh nghiệm của các industry expert thật cần thiết và gần gũi với khả năng của bạn. Có thể một lúc nào đó, bạn thấy mình gần như là một thought leader. Một lúc khác, bạn lại muốn nhập vai một C hacker.
Lúc này bạn đã lớn rồi. Ai dám khuyên bạn nữa chứ Cẩn thận, bạn có thể là một PHP Dictator đấy.
(sưu tầm)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét