Theo một khảo sát gần đây của Ipswitch, 88% số doanh nghiệp được hỏi chưa sẵn sàng và chưa có nhiều hoạt động chuẩn bị cho IPv6. Đây có lẽ là hệ quả của quan niệm cho rằng IPv6 chỉ là việc của bộ phận CNTT.
Sự chuyển dịch từ IPv4 sang IPv6 là không thể không thực hiện đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo một bản báo cáo gần đây của Ipswitch, 88% các doanh nghiệp được hỏi cho thấy họ chưa sẵn sàng và chưa có nhiều hoạt động chuẩn bị cho IPv6.
Liệu doanh nghiệp bạn có nằm trong số 88% trên? Các chuyên gia tiếp thị trực tuyến và nhân viên của mình sẽ có những biện pháp nào để chuẩn bị cho vấn đề quan trọng này? Bạn sẽ bắt tay hành động hay phó mặc may rủi từ nguy cơ có thể dự đoán trước? Bài phân tích tổng hợp dưới đây sẽ giúp ích nhiều cho các doanh nghiệp.
IPv6 tăng chất lượng dữ liệu phục vụ tiếp thị
Với IPv6, hàng tỉ tỉ địa chỉ IP có thể được khai thác. Tuy nhiên, IPv6 không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt số lượng địa chỉ được cấp phát mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích hơn khi có thể xác định cụ thể lưu lượng truy cập của website từ các doanh nghiệp khác nhau, vị trí địa lý, thiết bị khác nhau… Kết quả là các nhà tiếp thị có thể có được cái nhìn chính xác hơn, hiệu quả hơn đối với khách hàng của mình, có được dữ liệu trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Hiểu biết về IPv6 giúp các nhà tiếp thị hoàn thành các mảnh ghép cho kế hoạch của mình.
Các chiến lược marketing dựa trên dữ liệu phụ thuộc nhiều vào việc phân tích dữ liệu thu thập từ Internet. Chẳng hạn, có thể phân tích dữ liệu để biết yếu tố nào làm tăng hay giảm lợi nhuận trong một kỳ nghỉ lễ của quốc gia. Bạn có thể bán hàng rất tốt trong mùa Giáng sinh, nhưng cuối tuần lễ Phục sinh lại bị sụt giảm mạnh doanh số do hoạt động tìm kiếm thấp hoặc các cửa hàng bị đóng cửa. Ngoài ra, một trận bão có thể khiến cho doanh số sụt giảm kỷ lục trong vài ngày.
Khi tiến hành các phân tích hàng tuần, hàng tháng, hàng năm…, dữ liệu của một ngày có thể giúp giải thích những mốc đỉnh hoặc đáy của những chỉ số hoạt động quan trọng. Những thông tin này cung cấp hiểu biết tường tận về những bất thường trong hoạt động tìm kiếm và bán hàng, tạo thuận lợi cho các nhà tiếp thị dựa trên xu hướng phát triển dữ liệu để thiết lập các chiến dịch tiếp thị.
Tóm lại, IPv6 có thể giúp mở rộng phạm vi, đối tượng thu thập dữ liệu, khiến thông tin sẽ cụ thể hơn và có ý nghĩa nhiều hơn. Điều này tương tự khi thực hiện một cuộc khảo sát, tập mẫu thu thập càng nhiều thì tỷ lệ chính xác càng cao.
Hiệu năng hoạt động và độ tin cậy
Ngày nay, không chuyên gia tiếp thị online nào chấp nhận việc để website của mình trục trặc hoặc ngưng hoạt động, vì điều này ảnh hưởng tới khách hàng và sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu của công ty. Nếu những vấn đề như vậy xảy ra, các nhà tiếp thị không thể khoanh tay đứng nhìn mà không có biện pháp đối phó sớm.
Hơn ai hết, các nhà tiếp thị hiểu rõ hoạt động của khách hàng trên website của mình. Họ chính là người phân tích, tương tác với khách hàng, quản lý, tiếp nhận và xử lý các phản hồi… nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Do đó, Trong quá trình chuyển dịch từ Ipv4 sang Ipv6, nếu bộ phận marketing đứng ngoài và phó mặc cho phòng CNTT thì đó thực sự là một vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chắc chắn chúng ta sẽ không có một "bước chuyển diệu kỳ", theo kiểu chỉ sau một đêm toàn bộ hệ thống địa chỉ IP đều chuyển trơn tru từ IPv4 sang IPv6. Việc dịch chuyển này sẽ mất hàng năm và có thể một số vấn đề sau sẽ xảy ra:
- Dịch vụ hiện tại sẽ giảm chất lượng hoặc yếu kém dẫn đến hoạt động của website giảm
- Bị từ chối dịch vụ
- Vấn đề an toàn và an ninh do việc kết nối yếu, khó theo dõi
- Một số ứng dụng không chạy (như dịch vụ VoIP, dịch vụ định vị)
- Thiếu báo cáo và phân tích liên quan đến các địa chỉ Ipv6.
Cho tới thời điểm hiện tại, thật khó để nói chính xác điều gì xẽ xảy ra cho từng doanh nghiệp cụ thể. Chúng ta chỉ có thể khẳng định, càng chuẩn bị sớm cho việc chuyển dịch sang IPv6, doanh nghiệp bạn càng có nhiều thời gian và biện pháp để tối ưu hóa cho hệ thống của mình cũng như ngăn chặn hiệu quả những rủi ro có thể phát sinh.
IPv6 không chỉ là việc của CNTT và marketing
Việc đầu tiên các chuyên gia tiếp thị trực tuyến cần làm ngay là hợp tác với bộ phận CNTT. Câu hỏi "Những bộ phận và thành phần nào của hoạt động doanh nghiệp chịu tác động của việc chuyển đổi" cần đặt lên đầu tiên. Những bộ phận và thành phần này thuộc yếu tố công nghệ hay con người, hay thiết bị…? Do đó, bạn cần phải liệt kê chi tiết những thành phần có liên quan đến quá trình dịch chuyển rồi phải họp với bộ phận CNTT để xử lý vấn đề dần dần.
Điều quan trọng là mọi bộ phận, phòng ban… liên quan đều phải được thông báo kỹ càng để họ hiểu được ý nghĩa của việc chuyển đổi vì không phải bộ phận nào cũng sẵn sàng thay đổi hệ thống hiện tại. CNTT rất quan trọng nhưng CNTT sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hợp tác. Theo Martin Longo, Giám đốc công nghệ của Demandbase, cách thức tốt nhất các công ty có thể chuẩn bị cho IPv6 là hãy để các bộ phận khác nhau của công ty cùng tham gia bàn luận. Nếu bạn nghĩ rằng vấn đề trên chỉ liên quan tới các nhân viên CNTT, các chuyên viên quản trị mạng mà không liên quan tới các bộ phận khác như marketing thì có thể bạn đã chưa có cái nhìn tổng quan về ảnh hưởng của IPv6. Hãy nhớ IPv6 ảnh hưởng lớn đến kế hoạch marketing của bạn và IPv6 không phải là công việc của riêng bộ phận CNTT.
Cần hiểu rằng việc chuyển dịch sang Ipv6 cũng phụ thuộc vào những người ngoài doanh nghiệp của bạn. Giao thức mạng Internet được xây dựng theo từng nhóm (stack) với nhiều lớp khác nhau, mỗi lớp cung cấp một phần chức năng cần thiết để mọi bộ phận trong hệ thống hoạt động trơn tru.
Các nhà tiếp thị cần chú ý điều gì?
Khi các địa chỉ IPv4 đang dần cạn kiệt, các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều nhận thấy cần phải nâng cấp hệ thống địa chỉ IP để đáp ứng nhu cầu cấp phát mới. Ví dụ, một ngân hàng với nhiều chi nhánh thường được xác định với một địa chỉ IP duy nhất, thậm chí nhiều công ty thuộc một tập đoàn cũng "ẩn" sau 1 địa chỉ IP. Điều này có nghĩa các nhà tiếp thị trực tuyến không thể xác định chính xác đối tượng công ty con nào ghé thăm website của mình, trải nghiệm khách hàng ở một tập hợp nhỏ cũng không xác định được…
Khi các công ty chuyển sang Ipv6, các nhà tiếp thị sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn tới các đối tượng khách hàng cụ thể do giới hạn về kho địa chỉ gần như không tồn tại. Đặc biệt, với các nhà tiếp thị thuộc mô hình B2B, việc xác định được các công ty có tương tác trực tuyến với mình có ý nghĩa rất lớn. Với sức mạnh của Ipv6, chúng ta sẽ có đủ địa chỉ cho từng chi nhánh, từng bộ phận…
Do đó, các nhà tiếp thị phải nhanh chóng thay đổi hệ thống, chính sách của mình để có thể tiếp nhận và xử lý lượng thông tin mới. Đổi lại, họ sẽ có thêm số liệu, hiểu biết về khách hàng, tính tương tác sẽ cao hơn và sâu hơn.
Việc chuyển dịch sang IPv6 không chỉ phụ thuộc vào hạ tầng CNTT nội bộ doanh nghiệp mà còn còn phụ thuộc vào nhiều đơn vị, tổ chức, nhà cung cấp. Các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ, các nhà cung cấp thiết bị mạng, các hệ điều hành, các web server, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu… tất cả đều cần phải chuyển sang IPv6 để đảm bảo chắc chắn doanh nghiệp của bạn thực sự tương thích. Ngoài việc đảm bảo website - lớp trên cùng của doanh nghiệp hoạt động tốt, cần phải chú ý tới lớp đáy (dịch vụ máy chủ, nhà cung cấp mạng…) cũng phải được đảm bảo.
Giờ là thời điểm chuẩn bị cho tương lai
Trước tiên, hãy trao đổi cùng bộ phận CNTT và phác thảo một kế hoạch. Trong trường hợp một số nhà cung cấp thứ ba chưa chuẩn bị kịp cho ứng dụng IPv6, bạn sẽ làm gì để bù đắp việc khách hàng của bạn không thể tiếp cận dịch vụ của bạn? Hãy tìm hiểu điều này càng sớm càng tốt để đảm bảo việc tiếp cận khách hàng không bị gián đoạn. Nếu không có kế hoạch, nhiều ứng dụng có thể vẫn hoạt động nhưng việc thu thập thông thông tin và dữ liệu cần thiết sẽ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho hệ thống tổng thể về sau. Nếu bạn không cho việc này là quan trọng thì đây đúng là cơ hội tốt bạn tặng cho đối thủ khách hàng của mình.
Sau khi xác định được vấn đề và phác thảo kế hoạch, các công ty cần dành một khoảng thời gian nhất định sẽ xem xét khi nào IPv6 sẽ thực sự được đưa vào khai thác. Một câu hỏi tối quan trọng mà một doanh nghiệp cần đặt ra là "Khi nào chúng ta cần chạy song song cả IPv4 và IPv6?". Điều này không đơn giản nhưng theo ý kiến nhiều chuyên gia tiếp thị trực tuyến, đó là thời điểm khi tỷ lệ người dùng hay khách hàng sử dụng IPv6 đủ lớn đến mức nếu bạn bỏ qua họ thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp. Với một số công ty, bất cứ sự suy giảm nào về tỷ lệ ghé thăm trang web đều gây tác động tiêu cực nhưng cũng có những công ty chi phí cho việc chuyển dịch lại lớn hơn lợi ích thu lại trong khoảng thời gian đầu. Tuy nhiên, xét về lâu dài, việc chuyển dịch là không thể tránh khỏi và nhiệm vụ các nhà tiếp thị là phải tính toán, xác định đúng thời điểm bắt đầu chuyển sang IPv6 hoặc chạy song song.
Trên thực tế, chắc chắn bạn hay nhiều doanh nghiệp sẽ phân vân và "nhìn trước ngó sau" xem các doanh nghiệp khác chuẩn bị thế nào cho IPv6. Theo một cuộc khảo sát tiến hành bởi FOCUS và Demandbase về việc điều tra xem các doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình chuyển dịch IPv6, gần 1/4 số người được hỏi (23%) cho biết họ không chắc chắn các ứng dụng hiện tại của họ có bị ảnh hưởng hay không. Tương tự, 12% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã bắt đầu triển khai trong khi 6% cho biết họ không quan tâm tới IPv6.
Thời điểm cạn kiệt IPv4 đang đến gần. Các doanh nghiệp xung quanh bạn dù chậm hay nhanh cũng đang có kế hoạch chuyển dịch. Đã đến lúc bạn "xắn tay" làm việc với bộ phận CNTT. Việc hợp tác này càng sớm bao nhiêu thì bạn càng nhanh xác định được lợi điểm của doanh nghiệp mình.
Theo PCWorld VN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét