Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra trong hai ngày 25-26/9, Chính phủ đã thảo luận về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, một trong 3 khâu đột phá có ý nghĩa quyết định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đến năm 2020 được nêu trong dự thảo Chiến lược là nền giáo dục Việt Nam được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành được chú trọng; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.
Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể của Chiến lược được xác định là, đối với giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015, đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 85% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.
Về giáo dục phổ thông, đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.
Về giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, đến năm 2020 có 25% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và 30% tốt nghiệp trung học phổ thông học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo khoảng 350-400 trên một vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học khoảng 70%.
Về giáo dục thường xuyên, đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.
Để đạt được các mục tiêu, 7 giải pháp đã được đề ra gồm đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ giáo dục đối với các vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục và cuối cùng là mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.
Chiến lược cũng thể hiện rõ những điểm mới trong những quan điểm phát triển giáo dục, mục tiêu phát triển giáo dục, giải pháp phát triển giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết.
Thảo luận về Chiến lược, các thành viên Chính phủ cơ bản đồng tình với các nội dung của chiến lược, cho rằng Chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đề ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XI và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm 2011-2020…
Khẳng định sự cần thiết ban hành Chiến lược, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng nội dung của Chiến lược cần được cụ thể hóa hơn, làm cho nội dung chiến lược không mang tính nghị quyết; đồng thời lưu ý tới việc cân đối nguồn lực trong quá trình thực hiện Chiến lược.
Khẳng định việc tăng cường các nguồn lực cho giáo dục là hết sức cần thiết, và trên thực tế nguồn ngân sách dành cho giáo dục-đào tạo ngày càng tăng lên, năm sau cao hơn năm trước, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và một số thành viên Chính phủ đề nghị Chiến lược cần thể hiện rõ việc quản lý, phân bổ và sử dụng như thế nào để nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục-đào tạo đạt hiệu quả tốt nhất; đồng thời cũng làm rõ hơn những tồn tại, hạn chế của nền giáo dục trong những năm qua.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị Chiến lược cần quan tâm tới việc đổi mới mô hình quản lý giáo dục, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, không nên coi các trường học chỉ là trung tâm đào tạo mà phải là cả trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, trong giải pháp thứ 7 về phát triển giáo dục không nên viết nội dung là “Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục” mà nên thay cụm từ “hợp tác quốc tế về giáo dục” bằng cụm từ “hội nhập quốc tế về giáo dục,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng ý kiến cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục-đào tạo ở những vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần tạo nền tảng cơ bản để xóa đói, giảm nghèo ở những vùng khó khăn này…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đề xuất Chiến lược nên có mục tiêu cụ thể đến năm 2020 Việt Nam sẽ có bao nhiêu trường đại học đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, cùng với đó Chiến lược cũng nên đề cập đến các nội dung liên quan đến học phí; vấn đề về trường công lập và tư thục; về văn bằng đào tạo…
Theo Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, mô hình tăng trưởng giáo dục của Việt Nam hiện nay theo chiều rộng, quy mô giáo dục được mở rộng quá cỡ, nhiều trường công lập mở ra, chạy theo lợi nhuận là chính; xu hướng thị trường hóa giáo dục đang chi phối; có những hạn chế trong định hướng giáo dục-đào tạo, trong quy hoạch nguồn nhân lực; quản lý giáo dục thiếu chuyên nghiệp; sự gắn kết không chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, xã hội; trình độ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa thấp… đây là những hạn chế lớn của nền giáo dục, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Từ nhận định về những hạn chế, yếu kém nêu trên, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề xuất cần có đổi mới trong quy hoạch nguồn nhân lực, có quy hoạch ngành giáo dục, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục; thay đổi tư duy nhìn nhận về bằng cấp, khoa cử, tránh áp lực xã hội về bằng cấp…
Đi liền với đó là rà soát lại đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên; rà soát lại việc tuyển sinh của các trường đại học, nhất là các trường công lập, nếu trường nào 3 năm vẫn chưa tuyển được sinh viên, phải có các biện pháp xử lý kiên quyết.
Cùng tham gia thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Phong Tranh cho rằng nên có kế hoạch đào tạo theo địa chỉ để góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ở những vùng, địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; quan tâm tới vấn đề xã hội hóa giáo dục; chính sách đãi ngộ đối với giáo viên; người quản lý giáo dục…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Chiến lược đã được chuẩn bị công phu, ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Chính phủ là cơ bản đồng tình với nội dung của Chiến lược; đối với các thành viên Chính phủ chưa góp ý, Thủ tướng đề nghị góp ý bằng văn bản…
Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT tổng hợp bổ sung ý kiến và hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là vấn đề lớn, vấn đề đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; muốn xóa đói giảm nghèo, muốn phát triển theo chiều sâu, muốn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… tất cả là do yếu tố con người, là giáo dục - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược có những đánh giá đúng với thực trạng của nền giáo dục, những kết quả đã làm được cùng những tồn tại yếu kém để có hướng khắc phục, giải quyết.
Chiến lược này phải thể hiện được tư tưởng chủ đạo là giải quyết được những tồn tại, yếu kém hiện nay của nền giáo dục, nhất là những tồn tại, yếu kém ở các cấp học về cơ chế tài chính, quản lý, sách giáo khoa, giáo trình; chất lượng giáo dục đại học, tình trạng thiếu giảng viên, thiếu phòng thí nghiệm…, cùng với đó là cần định hướng rõ về vấn đề đào tạo nghề.
Theo TTXVN/Vietnam+
0 nhận xét:
Đăng nhận xét