Từ hôm nay 1/9, vào đúng dịp khai giảng năm học 2011-2012, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng.
Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết như trên.
Quan tâm đến 1 triệu nhà giáo làm nhiệm vụ giáo dục hơn 22 triệu HS, SV
Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về chế độ thâm niên đối với nhà giáo. Xin ông cho biết ý nghĩa của chính sách này đối với nhà giáo hiện nay?
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT: Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tiếp tục cụ thể hóa, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục.
Đồng thời, chính sách này thể hiện sự quan tâm, động viên và giao trách nhiệm của Nhà nước, của nhân dân đối với đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước, từ mầm non đến đại học.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT. (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã góp phần động viên và giải quyết bớt một phần khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo.
Nghị định này chính thức có hiệu lực, ước tính, thu nhập của nhà giáo bình quân tăng thêm khoảng 465.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chế độ phụ cấp thâm niên còn có tác động làm tăng phần hưởng lương hưu sau này đối với nhà giáo. Đây là sự ghi nhận cố gắng, nỗ lực và cống hiến của nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, là sự động viên, khích lệ cả về vật chất lẫn tinh thần của Nhà nước, xã hội đối với đội ngũ nhà giáo.
Từ những ý nghĩa trên, chế độ phụ cấp thâm niên còn góp phần giúp ngành giáo dục thu hút được nhiều học sinh giỏi vào học nghề sư phạm, thu hút sinh viên giỏi và những người có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp vào công tác trong ngành giáo dục, duy trì đội ngũ nhà giáo, khuyến khích nhà giáo gắn bó với ngành. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Chế độ phụ cấp thâm niên được ban hành cũng là căn cứ để các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham khảo, hạch toán định mức tiền công đối với nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo quy định, nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) mới được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Ông có thể giải thích rõ hơn việc lấy khoảng thời gian đó để bắt đầu tính hưởng phụ cấp thâm niên?
Việc xác định nhà giáo phải có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (đủ 60 tháng) thì mới được hưởng phụ cấp thâm niên xuất phát từ những nguyên nhân, như:
Thứ nhất, đây là khoảng thời gian, là tiêu chí để thấy nhà giáo đã tích lũy được kinh nghiệm công tác, đã được trau dồi tay nghề ở mức nhất định và gắn bó với nghề.
Thứ hai, đây cũng là sự kế thừa quy định trước đây về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Thứ ba, tiêu chí này đảm bảo tính thống nhất trong các quy định chung của Nhà nước về phụ cấp thâm niên nghề. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với các ngành nghề khác như: Thanh tra, Kiểm sát, Tòa án, lực lượng vũ trang... cũng quy định người phải đủ 5 năm công tác (đủ 60 tháng) mới được hưởng phụ cấp nghề.
Xin ông cho biết, ngoài phụ cấp thâm niên, hiện nay giáo viên đang giảng dạy còn được hưởng những chế độ ưu đãi gì?
Ngoài các chế độ quy định chung đối với viên chức và chế độ phụ cấp thâm niên, các nhà giáo còn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) ở các mức: từ 25% đến 70% , tùy theo cấp học (ví dụ: Mầm non cao hơn Tiểu học), địa bàn (vùng khó khăn cao hơn vùng thuận lợi) và loại hình trường (trường chuyên biệt có mức riêng); trường sư phạm, khoa sư phạm, môn khoa học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh có mức riêng; các mức phụ cấp này quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/10/2005 và Nghị định số 61/2006/NĐ- CP của Chính phủ ngày 20/6/2006.
Ngoài ra, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn còn được hưởng các chế độ như: Phụ cấp thu hút: 70% (thời gian hưởng tối đa 5 năm); Phụ cấp công tác lâu năm: ở các mức 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; Trợ cấp lần đầu: 10 tháng lương tối thiểu chung;
Hay như chế độ trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tức là đối với những người đã công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên, mỗi năm công tác ở vùng này sẽ được trợ cấp 1/2 tháng lương hiện hưởng. Đồng thời, được thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm; phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; phụ cấp lưu động 0,2 áp dụng đối với Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm chuyên trách phổ cập, xóa mù chữ;
Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số (áp dụng đối với những người đang dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số) là được hưởng thêm 50% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); thời hạn luân chuyển là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam, khi nhà giáo chuyển vùng có gia đình chuyển đi theo được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung;
Các chế độ này quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ- CP của Chính phủ ngày 20/6/2006, Nghị định số 116/2010/ NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.
Ngoài phụ cấp thâm niên, giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi từ 25-70%, tùy theo cấp học, địa bàn, loại hình trường. |
Còn đối với các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường chuyên biệt được hưởng các chế độ: Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; Phụ cấp trách nhiệm: 0,3 so mức lương tối thiểu chung. Các chế độ này quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ- CP.
Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục (trực tiếp đứng lớp) khi dạy vượt quá số giờ theo quy định của chế độ làm việc được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT- BNV- BTC- BGDĐT ngày 09/9/2008 của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Giáo viên dạy lớp ghép ở Tiểu học được hưởng phụ cấp dạy lớp ghép quy định tại Quyết định số 15/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/3/2010. Nhà giáo dạy môn giáo dục thể chất (giáo viên Thể dục - thể thao) được hưởng thêm chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư liên Bộ số 01- TT/LB ngày 10/01/1990. Đồng thời, được bảo lưu phụ cấp ưu đãi với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục tại Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, những chế độ ưu đãi đối với giáo viên liệu có tiếp tục được điều chỉnh không thưa ông, nhất là đối với các giáo viên ở vùng khó khăn nông thôn, dân tộc thiểu số?
Như chúng ta đã biết, ngành giáo dục, đội ngũ nhà giáo, nhất là các nhà giáo ở vùng khó khăn nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, biển đảo, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm.
Chế độ ưu đãi đối với giáo viên, nhất là giáo viên ở các vùng trên chắc chắn sẽ luôn được Đảng, Nhà nước chú ý. Còn việc xem xét những chế độ ưu đãi cụ thể, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, những chính sách đối với các vùng kinh tế - xã hội, tương quan chế độ, chính sách đối với các ngành, các đội ngũ công chức, viên chức...
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Hoàng Diên
Chinhphu.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét