Người Việt từng sinh sống, đoàn kết và nương tựa nhau để vượt qua những thử thách khắc nghiệt của đại dương mênh mông như thế nào? Câu chuyện của những ngư dân lão luyện từng đối diện với sóng dữ, cướp biển và cả những mối đe dọa từ bên ngoài...
Thấy tôi loay hoay xin cho theo tàu cá ra khơi, lão ngư Dương Văn Diện vỗ vai nhắc nhở: “Ngư dân ở đây làm gì thì làm nhưng phải qua mùng 5 tháng 5 mới đi lại. Họ còn cúng ông bà, tổ tiên nữa chớ!”. Rồi ông dẫn tôi về căn nhà mình, ở đó thâu đêm ông nói về Hoàng Sa không dứt.
Hoàng Sa ngày ấy...
Tuổi ngoài 60, mái tóc hoa râm, dáng người săn chắc, nước da đen trục của một ngư dân chính hiệu, ông Diện bực dọc: “Gần đây Trung Quốc họ làm dữ quá!”. Mỗi lần nghe biến cố trên biển Đông, ngư dân bị bắt ở Hoàng Sa, tim ông lại nhói đau từng hồi, ký ức ngày xưa vỡ vụn.
Nhà nghèo, năm 16 tuổi ông Diện rời sách vở theo cha lên tàu ra biển. Hơn 40 năm ngang dọc ở biển Đông, ông thuộc làu từng thớ đất nông sâu ở Hoàng Sa. “Ngày đó chưa có định vị, chưa có máy tầm ngư như bây giờ. Chỉ có cái la bàn, chiếc xuồng máy là chúng tôi ra biển. Những ngày xa xưa ở đây đã có thuyền đánh cá tận Hoàng Sa rồi. Tôi cùng lão ngư Nguyễn Đảng ở Lý Sơn là những ngư dân xông pha nơi ấy từ thời niên thiếu!” - ông Diện bồi hồi quay lại những năm 1980, khi ấy cá ở Hoàng Sa nhiều vô kể.
Đánh bắt rất dễ nhưng thuyền mình không to, mua bán lại khó, nên cứ ra Hoàng Sa đánh một tuần rồi quay về Đà Nẵng bán cá. “Cá nhiều như nhộng trong nong tằm ấy! Ngư dân mình đánh cá giỏi, đánh liên tục cả ngày đêm đầy ghe là về...” - ông Diện kể. Rồi vài năm sau, khi ngư dân bắt đầu đóng thuyền nhiều, Hoàng Sa bao trùm bởi ngư dân Quảng Ngãi. Những đêm đất trời bình yên, thuyền bè của ta thả neo đậu kín cả một góc trời.
Nhấp chén trà đắng chát đầu lưỡi, rít hơi thuốc thật sâu, ông Diện nhớ lại những tháng ngày bình yên trên biển: “Năm 1982, mới tháng 4 nhưng bão biển lại về sớm. Khi đó tàu của ngư dân mình hơn 60 chiếc kết lại thành bè to chống gió“.
Lão ngư Dương Văn Diện - Ảnh: Tấn Vũ |
Người đưa thư Trường Sa
Trong câu chuyện của mình, ông Diện luôn nhắc đến người bạn thân thiết là ngư dân Nguyễn Đảng, một trong sáu ngư dân bị mất tích trong chuyến ra khơi vào cuối năm 2010. Ông Đảng từng là ngư dân nổi tiếng trên tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu, từng bị Trung Quốc bắt và trả về. Một thời trai trẻ họ cùng nhau vẫy vùng trên biển nhưng mỗi người một số phận. Ông Diện với tuổi già bình yên bên cửa biển sống trong hồi ức gian nan thì ông Đảng vĩnh viễn nằm lại với đất trời Hoàng Sa. Ông Diện có năm người con ăn học thành tài, kiến trúc sư có, kỹ sư có... ông Đảng tuổi già con mọn không dựng lại nổi căn nhà cũ đã ba lần bị bão xé toang. Ông Đảng ra đi trong nỗi đau quặn thắt khi để lại vợ cùng đứa con chưa vào lớp 1.
Nhắc đến ngư dân Nguyễn Đảng, khóe mắt ông Diện đỏ hoe ngậm ngùi: “Đi Hoàng Sa vừa dứt, chúng tôi lại về Trường Sa. Tôi và ông Đảng, ông Cừ coi Trường Sa như nhà, anh em chiến sĩ trên đảo như người thân”. Ông Diện đọc vanh vách từng tên đảo ở Trường Sa, ông mô tả từng cụm đảo, từng nhà giàn chi tiết.
“Mỗi mùa dưa hấu, trên chuyến tàu ra Trường Sa của tôi lúc nào trong ngăn lạnh cũng có gần 100 quả dưa hấu. Biết anh em thiếu thốn, tôi ghé lại từng đảo phát dưa cho bộ đội. Lên đảo cùng ăn, cùng ở. Ngư dân chẳng có quà, có khi gửi cho anh em vài cây thuốc lá lấy tình” - ông Diện nhớ lại.
Những ngày đánh cá ở Trường Sa với ông Diện là những ngày hạnh phúc nhất. Ở biển Trường Sa niềm vui nỗi buồn đều có người sẻ chia. Ngoài những chuyến đánh cá, ông Diện vui nhất là được làm người đưa thư cho những người lính trẻ ngày đêm giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. “Mấy chú bộ đội thấy tôi thả neo là mừng quýnh lên. Hỏi khi nào bác vào. Tôi bảo đi đánh cá vài ba hôm. Mấy chú ấy dặn “bác nhớ quay lại để cháu gửi vài lá thư cho người thân”. Đánh cá xong, tôi quay lại từng đảo nhận thư gói ghém mang về” - ông Diện nhớ lại.
Đều đặn sau mỗi chuyến tàu vừa cập cảng Sa Kỳ, ông Diện để cá cho vợ con nhặt, lựa rồi phân loại mang đi bán, thu tiền. Một mình ông lấy chiếc xe đạp cũ kỹ đạp lên tận thị xã Quảng Ngãi, cách đó chừng 20km để bỏ thư vào hòm, gửi về quê cho từng người lính. “Nghĩ đến anh em thiếu thốn tình cảm, nghĩ đến từng nét chữ tâm tình của người muốn gửi, tôi làm việc này đầu tiên sau mỗi chuyến về đất liền. Lúc đó cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn này làm chi có bưu điện!” - ông Diện nhớ lại.
Đoạn ông Diện nhìn qua tôi nói như dặn dò: “Những lá thư tay là tâm huyết, thời gian, suy tư... và rất rất nhiều thứ người viết gửi gắm vào đó. Cánh thư đi lạc mình có lỗi nhiều lắm!”.
Ông Diện không thể nhớ hết họ tên từng người gửi thư, ông ngửa bàn tay sần sùi đếm, nhíu lông mày rồi nói: “Cậu Đa quê Nghệ An, bác sĩ Đông quê TP.HCM, bác sĩ Tuấn quê Hải Phòng, trung tá Thịnh ở Khánh Hòa - ba nó là phi công, ông Vinh ở đảo Phan Vinh...” là những người hay gửi thư, tâm tình cùng ông và ngư dân nhiều nhất.
“Tôi nhớ nhất anh Vinh ở đảo Phan Vinh. Dưa hấu đưa ra từ đất liền anh gọi anh em mang lên rửa sạch, lấy quả ngon nhất đặt lên bàn thờ Bác Hồ, thắp nhang gọi là quà quê hương. Còn lại rồi mới gửi cho anh em. Tôi nghỉ đi biển mà anh ấy còn gửi lon cá hộp cho tôi từ ngoài đảo làm quà” - ông Diện nói mà ánh mắt nhìn về xa khơi.
Ông Diện nhớ như in ngày đầu tiên đặt chân lên đảo Phan Vinh. “Lúc ấy anh Vinh gọi tôi tới hỏi: “Sao bác biết đây là đảo Phan Vinh?”. Tôi nói: “Đảo này đặt tên theo người anh hùng hải quân mà chú nói chi vậy? Hồi trước ngư dân gọi tên đảo này là đảo Hòn Sập”. Tôi nói đến đó anh Vinh ôm chầm lấy tôi rồi rưng rức khóc!” - ông Diện kể lại.
Những ngày ra biển của ông không còn nữa. Căn nhà mới xây do chính cậu con trai út thiết kế, ông Diện bảo phải làm cho ông cái gác nhỏ trên tầng ba. Ở đó mỗi ngày ông đều đặn nhìn những chuyến tàu êm ái ra khơi và khoan thai trở về Sa Kỳ trước hoàng hôn đầy ắp cá. “Ước ao lớn nhất của tôi là được một lần về thăm đảo ngoài kia” - ông nói trong ngậm ngùi...
TẤN VŨ
“Chiếc xuồng máy cùng tám tên cướp bịt mặt mang súng ống ập xuống tàu khi chúng tôi đang ngủ. Chúng bắt tôi nằm sấp xuống sàn rồi cướp bóc. Tôi định cho nổ tung con tàu nếu một trong số anh em chúng tôi bị bắn...”. Đó là câu chuyện đối đầu cùng cướp biển.
Kỳ tới: Những hải trình khủng khiếp
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét