Hơn 20 năm trước, một hải đội dân quân tự vệ được thành lập tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Lê Văn Kháng: “Đó là những ngày tháng rất đáng tự hào!” - Ảnh: Đông Hà |
Kỳ 1: Ký ức đại dương
Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếp
Đó là hải đội tự vệ của Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo. Hải đội này không chỉ đánh bắt cá trên ngư trường chủ quyền mà còn là tai mắt, là lực lượng đuổi bắt tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép và cứu nạn, trợ giúp ngư dân trên biển. Với nhiệm vụ “kép” của mình, hải đội đã duy trì sự ổn định an ninh trên vùng biển, đảo chủ quyền.
Từ đại đội đến hải đội
Tháng 10-1989, Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo (nay là Công ty cổ phần Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo - Coimex, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được thành lập. Cùng lúc, hải đội tự vệ của Coimex cũng được thành lập và hoạt động. Ông Lê Văn Kháng, ngày đó là giám đốc xí nghiệp, kiêm hải đội trưởng. Mỗi công nhân của xí nghiệp là một ngư dân nhưng cũng là một chiến sĩ tự vệ trên biển.
Với những thành tích của mình, năm 1996 hải đội tự vệ Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba và được Chính phủ, ngành chức năng tặng nhiều bằng khen. Ông Lê Văn Kháng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. |
Trong suốt cuộc trò chuyện về hải đội tự vệ ngày ấy, những kỷ niệm đáng nhớ nhất về một thời trai trẻ, đầy nhiệt huyết, dũng cảm của một thời hiện về. Ấy là thời khắc mà vị chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Coimex, đã 62 tuổi, như sống lại với tuổi đôi mươi cùng bao đồng đội của mình.
Buổi đầu thành lập, Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo chỉ có ba chiếc tàu và gần 60 cán bộ công nhân viên. Lúc này, xí nghiệp đã thành lập đại đội tự vệ biển. Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, đội tàu của xí nghiệp đã lên đến 32 chiếc có công suất, trọng tải lớn và hàng ngàn nhân viên. Tàu cá của xí nghiệp mang tên Bến Đầm - một địa danh của huyện Côn Đảo.
Đại đội tự vệ biển của Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo cũng được nâng cấp thành hải đội. Ngoài nhiệm vụ chính là đánh bắt hải sản, mỗi chiếc tàu cá của xí nghiệp còn có nhiệm vụ canh phòng vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, xua đuổi và bắt các tàu nước ngoài xâm nhập trái phép. Để thực hiện nhiệm vụ xua đuổi và bắt tàu nước ngoài xâm nhập trái phép, hải đội của xí nghiệp ông Kháng được trang bị loa, băng phát thanh cảnh báo bằng tiếng Việt, Anh, Trung Quốc và được trang bị vũ khí để tự vệ.
Ông Từ Thế Ẩn, ngày đó là phó giám đốc xí nghiệp kiêm chỉ huy phó hải đội (nay là phó tổng giám đốc), kể rằng ngày ấy dù đang đánh cá nhưng hễ phát hiện tàu nước ngoài “vô nhà mình” là tất cả dừng việc để làm nhiệm vụ xua đuổi, hoặc cần thiết bắt giữ, giao cho cơ quan chức năng xử lý. Từ khi thành lập đến năm 1999, hải đội của xí nghiệp đã nhiều lần cọ xát, xua đuổi hàng trăm tàu nước ngoài xâm nhập trái phép.
Ông Ẩn nhớ nhất là lần hai tàu của hải đội đã trà trộn vào đoàn tàu gần 10 chiếc của nước ngoài xâm nhập trái phép và chỉ trong 5 giờ họ đã bắt được sáu tàu, gây bất ngờ đến sửng sốt cho tàu xâm phạm.
Ông Kháng còn nhớ rõ có lần hai tàu của hải đội đã dũng cảm truy đuổi tám tàu nước ngoài, họ đã nổ súng chống trả làm ba chiến sĩ tự vệ bị thương. Trong cuộc truy bắt quyết liệt ấy, hải đội đã thành công khi tóm được một tàu nước ngoài xâm phạm làm bằng chứng pháp lý cho các bước kế tiếp.
Các thành viên trong hải đội tự vệ của Xí nghiệp Khai thác hải sản Côn Đảo năm xưa. Ông Lê Văn Kháng là người thứ tư từ trái sang - Ảnh: Đông Hà chụp lại từ ảnh tư liệu |
Chỗ dựa “Bến Đầm”
Nhiều ngư dân kể rằng vào những năm tháng ấy, khi đi biển mà gặp tàu Bến Đầm là họ yên tâm. Bến Đầm có thể là chỗ dựa tin cậy nhất từ việc hướng dẫn luồng nhiều cá cho đến lúc hoạn nạn, thiếu dầu, lương thực, hư hỏng máy móc... Trong cơn bão số 5-1997, những chiếc tàu cá mang tên Bến Đầm đã cứu gần 100 ngư dân gặp nạn. Ông Kháng và ông Ẩn đều xúc động khi nhớ về cuộc cứu nạn thời điểm ấy. Hơn 20 con tàu của xí nghiệp được tung ra biển, tỏa khắp các hướng cứu người. Những thành viên của hải đội đã xông pha cứu được cả trăm ngư dân, riêng tàu Bến Đầm 32 đã cứu 26 người.
Ông Kháng nhớ ngày ấy nhờ có hải đội dân quân tự vệ và ý thức của ngư dân trên biển nên bất cứ chiếc tàu cá hay tàu quân sự nước ngoài nào xâm phạm vùng biển chủ quyền đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Lúc đó ở Kiên Giang, Minh Hải, Hậu Giang cũng thành lập các hải đoàn, hải đội dân quân tự vệ nên cả vùng biển được bảo vệ nghiêm ngặt, xua đuổi hầu hết các tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải.
Ông Ẩn không thể quên những lần đối kháng không cân sức vì tàu của hải đội nhỏ, tốc độ thấp, còn tàu nước ngoài thường hiện đại, trọng tải lớn, tốc độ cao. Khi bị xua đuổi, tàu nước ngoài thả dây hay lưới cụ để vướng vào chân vịt tàu ta. Còn khi bị bắt, tàu nước ngoài đổ nhớt trên boong, thân tàu để ngăn chặn lực lượng hải đội tự vệ tiếp cận. Thế nhưng lòng dũng cảm, sự mưu trí và tinh thần bảo vệ chủ quyền đã giúp hải đội hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2002 do điều kiện khách quan, không thể tiếp tục đánh bắt hải sản, Coimex phải xin phép cơ quan chủ quản thanh lý đoàn tàu và chuyển sang sản xuất chế biến hải sản. Từ đó, hải đội tự vệ của Coimex trở thành ban chỉ huy quân sự của công ty.
“Để bảo vệ chủ quyền biển, bảo vệ ngư trường của ta, theo tôi, chúng ta phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể nhất, nhỏ nhất. Mỗi ngư dân hãy là một giám sát viên. Mỗi tàu cá là một đơn vị giám sát. Tất cả đều có trách nhiệm báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện những việc không bình thường”, ông Kháng nói một cách chắc chắn như thế!
ĐÔNG HÀ
_______________
Bằng trải nghiệm xương máu trong những cơn bão dữ giữa đại dương, lão ngư La Phải chính là “tấm áo” bảo vệ cho những đoàn tàu của xóm làng trong hoạn nạn xa khơi...
Kỳ tới: Ngư ông và bão dữ
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét