Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Ngày 27-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết sáng 26-5, một tốp tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, xâm nhập, cản trở và gây thiệt hại đối với tàu Bình Minh 02 của PVN đang hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực thềm lục địa Việt Nam.

1/ Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc -Ảnh: TTXVN
2/ Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trình bày chứng cứ việc tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02
3/Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)

Theo PVN, thực hiện kế hoạch thăm dò năm 2011 của PVN, tàu Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (thuộc PVN) đã khảo sát tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 thuộc thềm lục địa miền Trung. Việc khảo sát này được Bình Minh 02 tiến hành hai đợt, đợt một vào năm 2010 và đợt hai từ ngày 17-3. Theo PVN, việc khảo sát diễn ra bình thường và Bình Minh 02 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng đến sáng 26-5 nhóm tàu Trung Quốc đã đến ngăn cản và gây thiệt hại.

3 tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập trái phép

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại

Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại diện của bộ đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận lúc 5g58 ngày 26-5, trong khi tàu Bình Minh 02 của PVN đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12O48’25” Bắc và 111O26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

H.Giang

Vụ việc diễn ra sáng sớm 26-5. Khoảng 5g05, rađa trên tàu Bình Minh 02 phát hiện tàu lạ di chuyển với tốc độ rất nhanh để tiếp cận mà không hề ra tín hiệu cảnh báo. Chỉ sau 5 phút, hai tàu nữa cùng xuất hiện hỗ trợ. Khi tàu lạ đến gần, tàu Bình Minh 02 phát hiện đó là tàu hải giám của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 đã chủ động hạ thấp thiết bị thăm dò trước tốc độ di chuyển của các tàu Trung Quốc để tránh thiệt hại nhưng không vì thế mà các tàu hải giám dừng lại.

Khoảng 50 phút sau, đến 5g58, các tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy thẳng đến gần tàu Bình Minh 02, tiếp cận khu vực thả dây cáp và có hành động cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục uy hiếp tàu thăm dò của Việt Nam và ra thông báo tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-5, ông Đỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc PVN, xác nhận thông tin ba tàu hải giám của Trung Quốc cản trở tàu Bình Minh 02 và cho biết khu vực tàu Trung Quốc ngăn cản trái phép tàu Bình Minh 02 ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa, điểm gần nhất cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) chỉ 116 hải lý.

Vị trí tàu Bình Minh 02 khi bị quấy rối là ở tọa độ 12O48’25’’ Bắc, 111O26’48’’ Đông. Ông Hậu khẳng định tất cả các lô mà tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Sau khi tàu Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền Trung Quốc, ông Hậu cho biết tàu Bình Minh 02 đã cương quyết bác bỏ luận điệu này. Song khi Bình Minh 02 tiếp tục công việc của mình đã bị ba tàu Trung Quốc cản trở.

Đến tận 9g ngày 26-5, ba tàu Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực chủ quyền Việt Nam. Các tàu bảo vệ và tàu Bình Minh 02 đã phải dừng việc khảo sát trong ngày 26-5 thu lại các thiết bị hỏng để sửa chữa. Theo ông Đỗ Văn Hậu, PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã chỉ đạo tàu Bình Minh 02 sửa thiết bị tại chỗ chứ không rút về và tới 6g ngày 27-5, tàu này đã hoạt động trở lại bình thường.

Theo ông Hậu, mức độ thiệt hại mà tàu hải giám Trung Quốc gây ra cho PVN là lớn. Hơn nữa, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào rất sâu lãnh hải Việt Nam để phá hoại thiết bị, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của PVN là hành động hết sức ngang ngược và táo tợn, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc.

PVN cũng khẳng định công việc khảo sát địa chấn tại khu vực vừa xảy ra hoạt động phá hoại của ba tàu Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành bình thường vì đây là khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. PVN sẽ có biện pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoạt động cho tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Thực tiễn và pháp lý đều chứng minh chủ quyền Việt Nam

Theo cuốn Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, chiếu theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm 30% diện tích biển Đông (cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2).

Theo quy định xác định và bảo vệ chủ quyền, biển Việt Nam có các vùng: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mũi Đại Lãnh và 10 đảo ven bờ như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Nhạn (Kiên Giang), Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), Cồn Cỏ (Quảng Trị) được Việt Nam lấy làm điểm mốc để lập đường cơ sở ven bờ lục địa.

Bên trong đường cơ sở này là vùng nội thủy, được coi như lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam, đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối. Từ đường cơ sở ra ngoài 12 hải lý là vùng lãnh hải của Việt Nam, Việt Nam cũng được thực hiện chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn với vùng trời, đáy biển và lòng đất khu vực này.

Tiếp sau vùng lãnh hải ra ngoài 12 hải lý là vùng tiếp giáp lãnh hải. Từ vùng này trở vào, Chính phủ Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, quyền lợi về hải quan, thuế, đảm bảo sự tôn trọng về y tế, di cư, nhập cư.

Theo Bộ tư lệnh hải quân, vùng đặc quyền kinh tế tiếp liền sau vùng tiếp giáp lãnh hải và tính từ đường cơ sở ra 200 hải lý. Như vậy, tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 116 hải lý là đã vào tận khu vực giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, Bộ tư lệnh hải quân cho rằng Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, đáy biển và trong lòng đất, đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế.

Việc Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền tại khu vực biển phía Đông tỉnh Khánh Hòa, cách rất xa Trung Quốc, là hoàn toàn phi lý và ngang ngược.

CẦM VĂN KÌNH

Nhật ký tàu Bình Minh 02 (trích)

Tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cá

mang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333. Tàu có kết cấu tốt, được trang bị vỏ cứng và dày, tuổi thọ cao, bảo đảm hoạt động dài ngày với mọi điều kiện thời tiết trên tất cả các vùng biển, kể cả điều kiện băng giá. Tàu được thay máy chính

năm 2003 và đại tu tháng 2-2006. Tàu dài 62,26m, rộng 13,82m.

Toàn bộ các thiết bị địa chấn của tàu được trang bị mới 100% từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Sercel (Pháp), Seamap (Mỹ), Quest (Anh)... với công nghệ và cấu hình chuẩn hiện nay.

Ngày 19-3-2009, tàu địa chấn 2D đã được nhà thầu Nordic Maritime bàn giao cho Tổng công ty Khai thác dầu khí sau khi chạy thử thành công và được chính thức mang tên Bình Minh 02.

...5g05 ngày 26-5: phát hiện một tàu không có tên trên rađa - có thể là tàu hải quân của Trung Quốc - đang tiến về khu vực khảo sát, thuyền trưởng đã cố gắng liên lạc liên tục với tàu này nhưng không nhận được trả lời nào.

5g10: phát hiện thêm hai tàu, không có tên hiển thị trên rađa - đang tăng tốc hướng về phía khu vực khảo sát.

5g20: ba tàu không mang tên trên rađa, không nhận trả lời tàu Bình Minh 02 vẫn tăng tốc độ tiến về phía tàu khảo sát Bình Minh 02.

5g27: streamer (dây cáp thu tín hiệu địa chấn) được điều khiển chìm sâu xuống 30m để tránh ảnh hưởng khi tàu Trung Quốc đi qua.

5g58: tàu Trung Quốc mang phiên hiệu  China Marine Surveylang đã cắt đứt streamer tại vị trí Bird (thiết bị giữ cân bằng cáp địa chấn) số 06, khoảng 1/3 cáp địa chấn.

6g02: tàu bảo vệ Đông Nam 02 được điều động tăng tốc hết máy về phía phao đuôi để bảo vệ phao đuôi. Cố gắng giữ liên kết với phao đuôi tránh tuột mất đoạn streamer bị cắt đứt (khoảng > 2/3 chiều dài cáp địa chấn = 6km).

6g05: nhận được chỉ đạo của ban giám đốc cố gắng theo giữ đoạn streamer bị đứt, nhanh chóng thu đoạn cáp còn lại lên tàu. Đoạn streamer bị đứt sẽ được hai tàu bảo vệ neo và kéo khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc. Lúc này ba tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bao vây tàu Bình Minh 02 mặc dù thuyền trưởng liên lạc liên tục với ba tàu này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Vị trí tàu Bình Minh 02 lúc 6g10 ngày 26-5 là: 12O45.98 N, 111O27.608 E.

6g45: tàu Trung Quốc liên lạc lại với tàu Bình Minh 02. Thông báo tàu mình đã vi phạm chủ quyền khảo sát trên lãnh hải Trung Quốc. Yêu cầu tàu Bình Minh 02 lập tức rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng trả lời khẳng định đây là khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời hợp tác từ ba tàu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc vẫn thông báo tàu Bình Minh 02 phải rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng vẫn khẳng định lại tàu Bình Minh 02 hoạt động trên lãnh hải Việt Nam và bị tàu Trung Quốc cắt đứt thiết bị khảo sát lúc 5g58 ngày 26-5. Tàu Bình Minh 02 phải thu lại thiết bị khảo sát đã bị cắt đứt. Tàu Trung Quốc không có câu trả lời lại.

7g00: ban giám đốc chỉ đạo cố gắng dùng tàu bảo vệ kéo đoạn streamer bị đứt rời khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc, đảm bảo an toàn cho nhân sự làm việc trên tàu Bình Minh 02 và ba tàu bảo vệ. Đồng thời đảm bảo cho streamer không bị chìm sâu thêm và trôi dạt nhiều.

9g15: tàu không thể mạo hiểm quay lại tiếp tục cuộc khảo sát vì ba tàu Trung Quốc vẫn tuần tiễu quanh khu vực đó, sẵn sàng cắt streamer hoặc có biện pháp mạnh hơn...

Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt - Ảnh: TTXVN

Tổng đội hải giám Trung Quốc

Đội tàu hải giám của Trung Quốc, trong đó có chiếc tàu số hiệu 84 đã vi phạm lãnh hải Việt Nam sáng 26-5-2011 - Ảnh: lu Han Xin, Xinhua

Ngày 5-5-2011, Trung Quốc chính thức thành lập chi đội Tây Nam Trung Sa trực thuộc Tổng đội hải giám Nam Hải để đưa vào tuần tra trên biển Đông.

Tính đến nay, tổng đội hải giám Nam Hải (đơn vị có nhiệm vụ tuần sát biển của Trung Quốc) có 3 chi đội và 10 đại đội.

Ông Lý Lập Tân - giám đốc Sở hải dương Nam Hải - cho biết Tổng đội hải giám Nam Hải Trung Quốc hiện có 13 tàu tuần tra và ba trực thăng. Trong đó có chiếc hải giám 84 vừa được hạ thủy ngày 8-5, sau đó đưa ngay vào đội tàu tuần tra của nước này trên khu vực biển Đông.

MỸ LOAN (Theo THX)

Tàu đánh cá Trung Quốc tràn sang vùng biển Việt Nam

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry điện đàm với ngư dân đánh bắt xa bờ tối 27-5 - Ảnh: Duy Thanh

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 27-5, sau khi nhận được điện từ Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng thông báo việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh thông báo cho tất cả tàu thuyền Phú Yên đang hoạt động trên biển nắm tình hình trên, nếu phát hiện diễn biến mới liên quan thì báo ngay cho bộ đội biên phòng qua hệ thống liên lạc trên biển.

19g tối 27-5, tại trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (thuộc đồn biên phòng 352 Bộ đội biên phòng Phú Yên), thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - đội phó đội kiểm soát hành chính của trạm - mở máy bộ đàm để tiếp nhận thông tin từ các ngư dân Phú Yên đang đánh bắt trên biển. Qua điện đàm, ông Trần Văn Hùng (37 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng tàu câu cá ngừ PY92618TS, cho biết tàu của ông đang đánh bắt ở vị trí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng xung quanh tàu ông có gần 30 chiếc tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Trung Quốc.

“Tàu tôi đánh bắt ở khu vực này khoảng bốn ngày nay, ngày nào cũng gặp rắc rối với các tàu chụp mực của Trung Quốc. Khoảng 10g tối là mình kéo câu, nhưng đề nghị họ kéo dàn neo để tàu mình qua thì họ không chịu. Mỗi khi tàu mình chạy đến gần là họ xông ra dùng dao rựa, mã tấu hăm dọa, đòi đánh, chém. Có khi họ gọi vài chục chiếc khác đến uy hiếp tàu mình. Hành động của họ thật ngang ngược. Chúng tôi thật sự gặp khó khăn khi đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước mình” - ông Hùng nói qua bộ đàm.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung, 26 tuổi, cũng ở P.6, TP Tuy Hòa, đang điều khiển tàu PY2836TS đánh bắt gần vùng biển tàu ông Hùng, cho biết: “Ở vùng biển từ 9-17 độ vĩ Bắc, 111-115 độ kinh Đông hiện nay dày đặc tàu của ngư dân Trung Quốc hành nghề, có ngày lên đến vài trăm chiếc. Ban đêm họ chong dàn đèn sáng đến 15 hải lý, chụp sạch mực một vùng rộng lớn, làm ngư dân chúng tôi không còn mực để câu, thiếu thứ làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Do vậy, sản lượng đánh bắt của anh em chúng tôi gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi mong cấp trên đấu tranh để bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển”.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry cho hay qua điện đàm với các ngư dân, bộ đội biên phòng cũng đã báo cáo lên cấp trên phản đối việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển Việt Nam. “Chúng tôi thật sự lo lắng và xót xa cho ngư dân của mình. Do vậy, ngư trường của bà con bây giờ hẹp dần, việc đánh bắt hết sức khó khăn” - thượng úy Ry nói. Ngư dân cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc đưa khoảng 20 tàu hải quân thường xuyên kiểm soát gần vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, ngăn chặn không cho ngư dân Việt Nam hành nghề.

DUY THANH

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982

Việc Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 là vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Hồi 5g58 sáng ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khi đang thăm dò địa chấn tại lô 148 trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc lao vào cắt cáp (7km cáp bị cắt), làm hỏng một số thiết bị của tàu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến kế hoạch công tác của Tập Đoàn dầu khí Việt Nam tại khu vực này.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Xin lưu ý là địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ngày 26-5-2011 cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam vào sáng ngày 26-5-2011 đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền  của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m). Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý.

Còn nếu rìa ngoài của thềm lục địa thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các quy định của Công ước (cụ thể là các quốc gia liên quan phải gửi Báo cáo quốc gia đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc để Ủy ban này xem xét và ra khuyến nghị).

Về quy chế pháp lý của thềm lục địa, Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Họ có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong thềm lục địa của mình. Các tài nguyên thiên nhiên này bao gồm tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục địa của mình. Cách thức thực hiện quyền chủ quyền này hoàn toàn do các quốc gia ven biển quyết định. Có khi các quốc gia này tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Có khi các quốc gia ven biển cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một điều ước quốc tế nên một khi đã tham gia Công ước này, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc hưởng các quyền chủ quyền đôí với thềm lục địa của mình, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ. Quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau. Không thể chỉ hưởng thụ các quyền mà bỏ qua nghĩa vụ tương ứng. Đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống.

Yêu cầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế không phải là ngoại lệ của Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đó là nguyên tắc "pacta sun servanda" đã được pháp điển hóa trong Công ước năm 1969 của Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Yêu cầu này cũng chính là một nghĩa vụ của 192 thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Đoạn 4 trong Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã tái khẳng định điều này.

Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình. Hiện nay, hàng chục công ty dầu khí từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapore v.v…) đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thăm dò, khai thác tại các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Việc làm này của Việt Nam là hết sức bình thường. Các quốc gia khác ven Biển Đông như Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia cũng đang thăm dò, khai thác thềm lục địa của mình.

Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã long trọng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Việc Trung Quốc cho tàu vũ trang cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam cũng đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố này.

Theo DOC, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, viết tắt là COC).

Tóm lại, xét từ góc độ pháp lý quốc tế, đến góc độ chính trị cũng như góc độ quan hệ láng giềng thân thiện, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011 hoàn toàn không thể biện minh được. Điều rõ ràng là, dù vì bất kỳ lý do gì và với bất kỳ động cơ gì, thì việc làm nói trên của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

NGUYỄN HOA CHƯƠNG

Nguồn: tuoitre.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts