Đó là trao đổi của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Cả xã hội chạy đua
Ông suy nghĩ thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, đang có tình trạng ganh đua của phụ huynh rất ghê gớm buộc các cháu phải học quá nhiều. Học chính khóa, bán trú không đủ còn học thêm rất tràn lan. Ở đây, có tác động xấu của cơ chế thì trường vào trong trường học. Các thầy các cô kêu lương thấp, muốn có thu nhập cao hơn. Nhưng lương các thầy cô bậc tiểu học là 2 - 3 triệu đồng, chưa kể thu nhập khác ở trường, thì mức lương đó cũng không phải là thấp so với mức chung của xã hội. Bây giờ dường như trong cuộc sống mới ai cũng chạy đua với nhau.
Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ là chạy đua hay đua tranh nhau thì ít nhiều nó cũng có ý nghĩa tích cực. Nhưng đằng này lại là nạn "chạy điểm", "chạy chỗ", "chạy trường"!.
Chuyện này do nhiều nguyên nhân nhưng không phải chỉ do ngành giáo dục. Bởi khi đời sống khá hơn, bố mẹ có điều kiện quan tâm đến con nhiều hơn.
Thực ra ngành giáo dục cũng không đến mức tệ như thế đâu. Nhưng phải nói những năm qua ngành này như là một chỗ để xả, để xì hơi của những những bức xúc. Bây giờ có tâm lý học xong cứ có tiền là được bố trí công tác, người học giỏi lại rất khó xin việc. Tâm lý đó làm hỏng cả một nền giáo dục và đó cũng là cái khổ của ngành giáo dục.
Tôi được biết, có địa phương, để được về dạy tại một trường cấp huyện thôi anh phải bỏ ra tám chục triệu. Hay ở một thành phố miền Trung chẳng phải ghê gớm gì cũng phải mất một trăm, trăm rưỡi mới vào được. Chuyện này đều là thực tế và nguy hiểm hơn, nó tạo ra tiêu cực. Bởi những thầy cô giáo bỏ ra mấy chục triệu hay cả trăm triệu đồng để về dạy ở thành phố anh sẽ phải tìm cách "bóp", "nặn" học sinh, phụ huynh để bù lại khoản đã "đầu tư".
Chậm đổi mới
Việc tạo kỹ năng cho các em chưa tốt có một phần lỗi rất lớn ở phía các thầy cô. Vừa qua, có cô giáo tiếng Anh còn mắng chửi học sinh khi học sinh này góp ý về cách phát âm của cô?
Đúng thế, ngay trong chương trình đại học, nhiều thầy nói tiếng Anh sai bét. Nhưng nguyên nhân của tất cả những vấn đề đó ở đâu? Tôi cho rằng, có nguyên nhân đó là do đổi mới chậm. Chính thầy cô vẫn phải tuyệt đối trung thành với giáo trình, phải theo đúng chương trình sách giáo khoa. Thầy vẫn đóng vai giảng bài cho học sinh, không thoát được ra khỏi giáo án, thì sao học sinh có thể sáng tạo.
Theo dõi tất các cấp học, tôi thấy càng lên cấp cao đổi mới càng mờ nhạt. Giáo viên dạy văn ở phổ thông hiện nay dạy chẳng khác gì mấy chục năm trước. May ra thì có thêm vài cái máy chiếu, có thêm hình ảnh thôi, nhưng cái đó không phải là bản chất của đổi mới.
Nhưng rõ ràng tôi thấy ngành giáo dục của ta kêu gào "thảm thiết" nhiều năm nay rằng: phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm?
Sức ì quá lớn của một đội ngũ quá lớn. Tôi vẫn nói, dạy theo kiểu thầy chủ động trò thụ động thì dễ hơn. Còn nếu trò chủ động, thầy thụ động thì khó hơn. Ở đại học có thầy cô nào dám để cho trò chủ động đâu. Nếu để trò chủ động, trên mạng có chuyện gì đó trò đọc được đưa ra hỏi mà thầy không biết là thầy chịu "chết".
Bản thân Bộ GD-ĐT khi đặt ra yêu cầu đổi mới thì nhiều khi cũng lúng túng, chưa biết đổi mới là đổi mới ở khâu nào, đổi mới thế nào. Mở sách giáo viên ra sẽ thấy là chúng ta chưa hướng dẫn được gì nhiều để đổi mới, mà chỉ mới là hướng dẫn nội dung, cách đặt câu hỏi để học sinh trả lời theo hướng này hay hướng kia. Hỏi đáp chưa phải là đổi mới, hỏi đáp thì từ thời tôi đi học đã có rồi. Hơn nữa hỏi đáp và hướng dẫn học sinh phải trả lời theo hướng này, hướng kia chính là một thứ áp đặt.
Chính các cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các thầy cô đổi mới cũng đang băn khoăn, chưa biết đổi mới thế nào. Mới chỉ là hô hào đổi mới chung chung chứ chưa đưa ra được những cái cụ thể.
Làm dự án giáo dục
Dư luận cho rằng, bây giờ những người làm giáo dục không còn tâm huyết như trước. Sách giáo khoa thì năm nào cũng phải thay đổi, nhưng vẫn có nhiều sai sót, rồi có những người chuyên làm dự án về giáo dục?
Thực ra thì nói như vậy cũng chưa đúng. Bởi khi có biến đổi về mặt xã hội thì phải chỉnh lý sách giáo khoa, như chỗ này ngày xưa là Hà Tây giờ là Hà Nội thì phải thay đổi chứ. Hay những sai sót phụ huynh, dư luận phát hiện thì phải điều chỉnh. Tôi nghĩ sách giáo khoa thì không đến mức là làm tiền học sinh đâu vì giá rẻ lắm.
Có thể thấy rất rõ, kỹ năng thực hành của học sinh cả phổ thông lẫn đại học còn yếu. Các em học giỏi toán nhưng bảo đo diện tích cái bàn chưa chắc đã làm được, vì không có kỹ năng khái quát hóa để tính. Hay nhiều em học xong không viết nổi một cái đơn. Đấy là do kỹ năng thực tế, thực hành yếu. Có rất nhiều kỹ năng sống các em đã không được dạy, hoặc dạy không đến nơi đến chốn. |
Xã hội hóa giáo dục thời gian qua đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ, bản thân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ở nước ta có một nghịch lý, cái đáng xã hội hóa nhanh nhất là kinh tế - tức là sản xuất thì lại rất chậm. Chúng ta đã vào WTO rồi nhưng vẫn ôm ấp, nâng đỡ các tập đoàn sử dụng vốn Nhà nước, bất chấp cả lỗ lãi và nguyên tắc cạnh tranh. Những lĩnh vực Nhà nước phải chịu trách nhiệm bao cấp là chính như giáo dục, văn hóa, y tế... thì mình lại chưa được quan tâm đúng mức. Giáo dục mà làm theo kiểu buông cho thị trường sẽ sinh ra những trường kém chất lượng.
Tất nhiên, chúng ta không ngăn cản người dân bỏ tiền mở mang giáo dục, nhưng không nên buông hẳn ra. Phải đầu tư trường công thật tốt. Ngay Hà Nội có 6 phường ở khu vực phố cổ không có trường tiểu học, có trường mấy chục năm phải học nhờ trong đình làng... Bởi hình như tất cả những địa điểm đẹp nhất của thành phố là nhà hàng khách sạn, những chỗ thu được nhiều tiền...
Vâng. Đúng là như vậy nhưng như ông đã nói ở trên thì để thay đổi được điều đó còn rất khó. Xin cảm ơn ông đã trò chuyện.
Khoa học & Đời sống online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét