Nhiều bậc cha mẹ than phiền con của họ thường bị bắt nạt khi đến trường, thậm chí có trẻ ngày nào cũng bị... hành hạ. Chỉ khi về đến nhà con mới thấy an toàn.
Các bậc cha mẹ nên khơi gợi lòng tự tin ở trẻ để trẻ dễ dàng hòa nhập với bạn bè hơn (ảnh minh họa) - Ảnh: Quân Nam |
Tuy nhiên không phải tất cả “nạn nhân” đều thật lòng khai báo với người lớn vì sợ ngày mai đến lớp tiếp tục bị đe dọa, có khi còn dữ dội hơn... Chẳng biết mức độ dữ dội thế nào, nhưng thấy con phiền muộn và lo lắng ai cũng xót và sợ rằng có khi con trở nên chán học! Thầy cô giáo ở trường cũng hết sức khổ tâm khi biết có hiện tượng đe nẹt, hăm dọa của các “đại ca” học trò, thậm chí chỉ là các “đại ca nhí” trong các trường tiểu học.
Khi con bị bắt nạt
Đồng hành cùng con Số đông các em bị bắt nạt ít chịu công khai tình hình nhưng khi về nhà có thể có những biểu hiện âu lo hoặc chán học, sợ học, thậm chí sợ bạn... Cha mẹ cần giúp con biểu lộ cảm xúc, chia sẻ thông tin với con sau giờ tan lớp, không chỉ về kết quả học tập mà còn về việc sinh hoạt ở lớp. Trò chuyện thân thiện, đồng hành cùng con trong chuyện học hành, vui chơi sẽ giúp cha mẹ hiểu thêm những trăn trở, ưu tư của con lúc đến trường, giúp con vượt qua những khó khăn để mỗi ngày đi học là một ngày vui... |
Các hình thức bắt nạt khá đa dạng và thể hiện ở bất cứ lúc nào. Nhiều học sinh “yếu bóng vía” hay bị các bạn dọa “nghỉ chơi” nên cuống cuồng làm theo điều bạn muốn, càng là một điểm nút để các bạn bắt nạt...
Một số trẻ thường bị giành đồ chơi hoặc bị bạn không cho chơi ở nơi công cộng nhưng chẳng biết làm gì để được... bình đẳng. Có trẻ lại ngậm ngùi đứng nhìn bạn chơi với ánh mắt thèm khát mà chịu đựng.
Không ít trẻ đi học bị bạn đòi chia phần ăn, hay chung tiền “lệ phí” để được an toàn, nhiều em bị bạn xé tập vở và giấu mất vật dụng học tập.
Thậm chí có em bị bạn vu oan với thầy cô, một số bị sai vặt nhưng vẫn phải làm nếu không muốn bị cô lập và tung đòn chơi bẩn... Có thể nói chuyện bắt nạt bạn ở bậc học nào cũng có và xuất hiện dưới nhiều hình thức, có khi rất trẻ con nhưng đôi lúc cũng ra dáng “đàn anh” thứ thiệt.
Thường trẻ thấy lép vế trước các bạn sẽ dễ mặc cảm và không dám khẳng định mình khi đối diện với một tình huống gây ức chế. Do vậy trẻ phải tìm cách “trốn chạy” để an toàn, hoặc chịu đựng và chịu bị bắt nạt. Có em nhịn hoài rồi quen với cảnh bị chèn ép và trở thành “mồi ngon” của những bạn gây hấn...
Chìa khóa gỡ khó
Để giúp con tránh bị bắt nạt, các bậc cha mẹ cần hết sức bình tĩnh, không gây ra những phản ứng thái quá có thể làm tình hình thêm khó khăn. Trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân con bị bắt nạt. Nhiều trường hợp chính các em bị bắt nạt gây hấn trước nhưng sau đó bị bạn “phản công” dữ dội, đành chấp nhận rơi vào thế bị động và chịu bị “trừng phạt”.
Hoặc nhiều em bị bắt nạt vì quá nhút nhát, không biết thích ứng với những trò chơi của bạn cùng trang lứa, cá biệt có em được cha mẹ dặn dò tuyệt đối không làm bạn nổi cáu vì lo sợ con mình không đủ sức tự vệ!
Nguyên tắc chung là các bậc cha mẹ nên giúp con hiểu vấn đề và tự trả lời tại sao con bị bắt nạt để nhận thức rõ hơn về chính mình và về các bạn. Một khi các bạn nhỏ tự tin vào chính mình sẽ cảm thấy thoải mái khi chơi với bạn và tự mình “giải thoát” khỏi nguy cơ bị bắt nạt.
Để các con tự tin, cha mẹ có thể trò chuyện với con về những giá trị, về những thành công của con (chỉ là những điều rất nhỏ nhưng giúp các bé mạnh mẽ hẳn lên...), cho con có thêm điều kiện gặp gỡ bạn bè, biết cách chia sẻ và được bạn sẻ chia... Khi tham gia vào môi trường cộng đồng, trẻ sẽ trở nên linh hoạt và biết cách tự vệ mềm dẻo khi cần thiết. Giúp trẻ hiểu khi có nguy cơ bị bắt nạt, hãy chơi gần nơi có thầy cô hoặc anh chị lớp trên; nếu bị bắt nạt, cần nói với thầy cô về điều đó... Các bé không cần thiết phản ứng thái quá nhưng không nên âm thầm chịu đựng.
Đối với trẻ học tiểu học, các bậc phụ huynh có thể trò chuyện với nhau để được hợp tác, hoặc thông báo tình hình với giáo viên để được hỗ trợ vì đôi khi chuyện của các em chỉ đơn giản là chuyện... con nít. Tuy vậy, tuyệt nhiên không nên nghĩ mọi chuyện quá đơn giản vì nếu xảy ra thường xuyên có thể làm con mình trở nên yếm thế.
Với trẻ ở bậc trung học cơ sở, vấn đề có thể rắc rối khi các em đang trong tuổi dậy thì, tính chất bắt nạt có vẻ phức tạp hơn. Do vậy, cha mẹ nên lắng nghe con, bàn luận với con về cách thức đối diện với vấn đề để vừa giúp con bảo vệ giá trị của mình vừa có thể tránh gây chuyện phiền phức. Bên cạnh đó, trẻ sẽ hình dung được sự hậu thuẫn từ cha mẹ, sẽ có thêm kinh nghiệm “chống lại” sự bắt nạt một cách khéo léo.
Cần giúp trẻ hiểu rằng một khi chúng ta không làm điều gì có hại cho bạn thì sẽ chẳng ai bắt nạt mình, nếu ai đó gây rối nên bỏ qua, còn nếu không thể chịu đựng thì cần biết tự vệ đúng lúc...
Giúp con cách thức tự vệ là điều các bậc cha mẹ có thể làm nhưng kỹ thuật tự vệ hữu hiệu nhất vẫn là lòng tự tin của trẻ, vẫn là tính linh hoạt và thích ứng của trẻ khi chơi với các bạn... Do đó, nếu trẻ thể hiện được sự tự lập của mình, dễ dàng bộc lộ cảm xúc và nói lên ý tưởng riêng thì trẻ sẽ dễ dàng hơn trong việc biết phải làm gì khi bị bạn gây hấn hoặc bắt nạt.
TS ĐINH PHƯƠNG DUY
Nguồn: tuoitre.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét