Kênh Tên Miền chuyên cung cấp tên miền đẹp, giá rẻ! Hãy liên hệ kỹ thuật: 0914205579 - Kinh doanh: 0912191357 để được tư vấn, hướng dẫn miễn phí, Cảm ơn quý khách đã ủng hộ trong thời gian qua!
kiem tien, kiem tien online, kiem tien truc tuyen, kiem tien tren mang
Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

"Ăn thua anh nào chơi giỏi thì cứ trổ tài ở trung cuộc, còn khai cuộc chẳng qua chỉ là chuyện dàn quân ban đầu, ăn thua gì!" Khá nhiều bạn chơi cờ, cả cờ Vua, cờ Tướng lẫn cờ Vây, đã nghĩ như vậy. Nhưng trong thế giới cờ hiện đại, nhất là ở các quốc gia hùng mạnh nhất về cờ và những đại cao thủ của làng cờ thế giới thì lại nghĩ hoàn toàn khác "Khai cuộc là then chốt của cả ván cờ!"

Điểm lại trong tổng số sách viết về cờ trong hơn 100 năm qua thì sách về khai cuộc đã chiếm tới hơn 70% trong khi cả trung cuộc và tàn cuộc chỉ chiếm có khoảng 30%, và cho đến nay những tìm tòi sáng tạo mới về khai cuộc vẫn đang được đào sâu, được tranh luận không dứt. Cứ sau mỗi một năm người ta lại cho ra đời những quyển sách dày cộp chỉ rõ những biến nào trong khai cuộc đã lạc hậu, lỗi thời, những biến nào đúng đắn, hiệu quả hơn, những biến nào còn đang bàn cãi chưa ngã ngũ còn phải đợi kiểm nghiệm tiếp.
Người ta còn tổ chức những giải cờ chỉ chơi theo một kiểu khai cuộc, không chỉ là chuyện chơi cho thú vị lạ mắt mà còn để phát hiện ra những nước đi mới, những biến, những phương án khác lạ và những hệ quả của chúng. Không phải tất cả những phát hiện mới đều đúng cả, thế nhưng có một điều dễ nhận ra là, tất cả những kỳ thủ đẳng cấp cao đều hết sức quan tâm tới khai cuộc, bởi theo họ thì "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", chỉ một nước đi nhầm hay một nước yếu ở khai cuộc là bị đối phương phát hiện và khai thác ngay. Từ những ưu thế rất nhỏ trong khai cuộc, người chơi sẽ biết làm gì để kiềm chế hoặc khoét sâu điểm yếu đó (nếu đã đọc kỹ lý thuyết thì họ biết rất rõ là sẽ phải làm gì).

Giành lợi thế từ khai cuộc là yêu cầu của các kỳ thủ hiện nay. Hay nói một cách khiêm tốn hơn là ngay phần khai cuộc phải giữ cho cân cờ, chứ quyết không chịu để yếu thế hơn đối phương. Khai cuộc ngày nay đâu phải chỉ dăm ba nước đầu, nó có thể kéo dài đến 10, 15 nước là chuyện thường. Trong khoảng chừng đó nước, có biết bao nhiêu phương án mới, nước đi lạ đã và sẽ còn xuất hiện. Người ta đã từng lấy làm lạ vì sao một đại danh thủ lừng lẫy như Anatoli Karpov, ngay trong phần khai cuộc, lại phải ôm đầu suy nghĩ gần 45 phút mới tìm ra nước đối đáp trước một nước đi đầy bất ngờ của Garry Kasparov. Nữ kỳ thủ Hoàng Thanh Trang cũng rất được ngợi khen khi thắng nữ vô địch thế giới Tạ Quân tại cúp cờ vua thế giới lần thứ nhất tại Thẩm Dương (Trung Quốc), khi cô đi một nước khác thường ở khai cuộc, khiến Tạ Quân phải nghĩ suốt nửa giờ mà vẫn không tìm được phương án đối đáp chính xác, để rồi rốt cục phải thua ván cờ chỉ trong vòng 30 nước.

Trong cờ Tướng, Hứa Ngân Xuyên tuy trẻ tuổi hơn các bậc "đại công thần", thế nhưng vẫn liên tiếp giành được ngôi vô địch Trung Hoa trong những năm gần đây, bởi anh luôn đưa ra được những nước khai cuộc làm choáng váng địch thủ. Mà nên nhớ rằng các bậc "đại công thần" từng là những người thuộc lòng "như cháo chảy" các loại khai cuộc cổ điển, tưởng như không còn gì để mà thêm bớt nữa!

Ngoài ra việc kiểm nghiệm lại các biến, các phương án cũ cũng là một mục tiêu của các nhà nghiên cứu khai cuộc. Có những phương án từng được coi là tối ưu, là bền vững, nay xem lại vẫn còn những sơ hở đáng kể.

Té ra học khai cuộc lại là khó nhất, dễ làm người ta nản lòng nhất, bởi khối lượng của nó đồ sộ, đường ngang ngõ tắt ngổn ngang, lắm khi cứ như đi lạc vào rừng, có biết bao ngã năm ngã bảy liên tiếp hiện ra, không biết phải chọn đường nào cho đúng, cho tối ưu đây!

Và tất yếu sẽ dẫn tới một việc mà không một kỳ thủ nào có ý thức vươn lên, muốn tiến bộ, muốn giỏi giang hơn có thể tránh được là: phải tìm thầy mà học, mà nghe chỉ bảo, nghe giảng giải, phân tích cặn kẽ. Có thể là thầy hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt bạn mà cũng có thể là thầy vô hình, chính người thầy vô hình mới là quan trọng nhất. Đó chính là những quyển sách, là những bài báo là những trang "giáo khoa khai cuộc" trên mạng internet hay những đĩa CD chuyên về khai cuộc của các chương trình cờ chạy trên máy vi tính...

Nói tóm lại, bạn sẽ không phải chỉ là một người chơi cờ đơn thuần mà phải tập làm "nhà nghiên cứu". Đây chính là cái vừa là rất thích thú đồng thời cũng là rất khó chịu. Thích thú nếu ta đi được vào thế giới khai cuộc, khám phá, áp dụng những điều mới mẻ, bổ ích và dần dà nhận ra những khiếm khuyết trước đây của mình. Còn khó chịu khi ta thấy nó rắc rối, mất thì giờ và phải lao động thật sự! Nói thật lòng thì các bạn chơi cờ Vua có vẻ tiếp cận thoả mái hơn với con đường này so với các bạn chơi cờ Tướng, vì đại đa số các bạn chơi cờ Vua là học sinh nhà trường, ngay từ đầu đã được các thầy hướng dẫn một cách có bàn bản. Phương pháp và tài liệu, phương tiện cũng tốt hơn. Tuy nhiên chỉ cần nhìn sang nước bạn Trung Quốc thì ta thấy họ đào tạo các kỳ thủ cờ Tướng không kém gì cờ Vua, thậm chí là còn hơn cờ Vua.

Các bạn còn nhớ Hồng Trí và Nhiếp Thiết Văn chứ? Mới ngày nào họ còn chơi ở lứa tuổi U20, mới ngày nào Hồng Trí còn bị "ăn đòn" của Nguyễn Thành Bảo, mất cả cúp vàng. Ấy thế mà chỉ 5 năm sau cái ngày đáng ghi nhớ ấy, giờ đây cả hai đã gia nhập vào làng cờ đỉnh cao, nằm trong số 32 đại cao thủ Trung Quốc, trong lúc 5 năm qua, Nguyễn Thành Bảo của chúng ta hầu như "biến mất" trên kỳ đài! Lần gặp cuối cùng giữa họ là vào giải "Các danh thủ châu Á" tổ chức tại Vũng Tàu vào năm 2001, ở ván thứ 2, Thành Bảo đã thất thế ngay ở khai cuộc, gắng gượng chống đỡ thêm được một hồi thì đành chịu thua, ra khỏi phòng thi đấu Bảo phải công nhận là mình "tắc tị" ở khai cuộc này, không biết là phải đi tiếp như thế nào, đành cứ đánh mò mẫm, trong lúc Hồng Trí nắm rất chắc, đi từng nước chắc chắn vững tin. Rốt cuộc thì Hồng Trí và Thiết Văn chiếm ngôi nhất nhì, còn Thành Bảo xếp tận thứ 9. Nắm chắc khai cuộc lợi hại như thế đấy.

Nhưng không chỉ có thế. Ai vừng vàng trong khai cuộc còn giành được nhiều lợi thế hiển nhiên khác: đó là về thời gian và tâm lý. Ngày nay khi thời gian dành cho mỗi ván cờ ngày càng co ngắn lại thì việc phân phối thời gian hợp lý cho từng giai đoạn của ván cờ ngày càng trở nên quan trọng. Có người chỉ mất có 10-15 phút cho 10 nước đi đầu tiên hoặc thậm chí còn nhanh hơn thế, trong lúc có người mất cả giờ đồng hồ để nghĩ. Nếu khai cuộc mà tiêu tốn quá nhiều thời gian như vậy thì thời giờ dành cho trung cuộc và tàn cuộc còn được bao nhiêu. Dù anh có đánh giỏi trời chăng nữa nhưng đồng hồ báo chỉ còn một vài phút, thậm chí còn có 20-30 giây thì có đến thánh cũng không gỡ được. Huống chi, khi vào giải chính thức, sự chênh lệch đẳng cấp giữa các kỳ thủ là rất nhỏ, không ai "ăn tươi nuốt sống" được ngay đối phương, vấn đề thì giờ luôn là một yếu tố sống còn cho từng ván đấu.

Anand vốn là một "thiên tài khai cuộc", có trí nhớ phi thường, thuộc lòng các loại khai cuộc trong đó có những khai cuộc hết sức lắt léo, nhờ đó mà ông đã nhiều lần trở thành người thách đấu giành ngôi vô địch thế giới và trên thực tế ông đã giành được ngôi vô địch thế giới của FIDE. Thế nhưng khi được hỏi ông tập luyện gì nhiều nhất trước các trận đấu quan trọng, ông cười và nói: "Tôi tập luyện khai cuộc!"

Còn về yếu tố tâm lý thì cũng đã khá rõ ràng. Một kỳ thủ Việt Nam khi đi đánh giải cờ Tướng quốc tế đã kể lại: "Ở nhà tôi đã chuẩn bị kỹ càng một số phương án khác thường để gây bất ngờ cho đối phương, ai dè tôi đi nước nào anh ta cũng đối đáp mau lẹ, hầu như chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều. Chính điều đó khiến tôi đâm ra luống cuống, mất bình tĩnh, thiêu tự tin hẳn và rốt cuộc thua cờ". Nếu không luống cuống, mất tự tin thì kết quả chưa chắc sẽ là như thế. Lúc này yếu tố tâm lý lại nổi nên, ai có tâm lý ổn định thì phần thua ít khi đến với họ. Tâm lý còn thể hiện ở sự hưng phấn, hăng hái hay sự nhụt chí, dao động. Ở những người khai cuộc giỏi thì mỗi nước đi của đối phương đều "trong tầm tay", cứ ung dung mà "đánh tới" thoải mái và thảnh thơi. Còn ở những ai "không thuộc bài khai cuộc" thì vừa phải đi vừa phải thăm dò, rụt rè và cảnh giác. Hai trạng thái tâm lý này không chỉ có ở khai cuộc mà sẽ còn kéo dài tới hết ván cờ.

Lại có những kỳ thủ chỉ giỏi một vài khai cuộc "tủ" và cố dẫn dắt đối phương vào "khai cuộc của mình". Tất nhiên làm được như vậy là cả một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng làm được đâu, bởi đối phương cũng có những "tủ riêng" và cũng đang cố lôi kéo bạn vào khai cuộc của họ. Rốt cuộc anh nào bị "lệch tủ" anh ấy sẽ gánh lấy tai họa. Tai họa đây chính là những cú sốc tâm lý, bởi vì biết mình đang đi vào con đường lạ hoắc, chưa bao giờ biết tới. Cho nên chính vốn khai cuộc dồi dào và sâu sắc sẽ giải thoát cho bạn khỏi những tình huống sốc nói trên.

Cũng nên nhớ rằng khi vào tàn cuộc, thời gian cạn kiệt dần thì đối thủ thường có cảm giác đồng hồ chạy rất nhanh (một số đấu thủ "quáng gà" cứ cho rằng đồng hồ bên mình bị hỏng nên mới chạy nhanh thế!). Đó là một áp lực tâm lý khá nặng nề làm phân tán tư tưởng, phản ứng thiếu chính xác và kết quả là các nước đi sai lạc xuất hiện, trong lúc đối thủ ung dung nhìn thời gian còn rộng rãi và chơi thoả mái, chính xác hơn nhiều. Như thế bao nhiêu công lao đổ ra cho cả một ván cờ hóa thành "công cốc" khi chiếc kim đồng hồ bên mình cứ thế rụng xuống một cách thản nhiên, vô tình.

Tất nhiên không ai có thể coi nhẹ trung cuộc hay tàn cuộc, bởi một ván cờ thì tất cả các giai đoạn phải liên hoàn chặt chẽ với nhau, giai đoạn nào cũng có giá trị không thể chối cãi của nó. Người chơi cờ muốn hay không cũng phải nghiên cứu cả ba giai đoạn, chưa nói tới hiện nay người ta còn nói tới hai giai đoạn trung gian nữa là Khai-trung và Trung-tàn. Những vấn đề này sẽ được bàn tới sau đối với cả hai loại là cờ Vua và cờ Tướng.

Nhưng như ta đã nói từ đầu "đầu không xuôi thì đuôi khó lọt", đừng quá tin rằng ta khai cuộc "linh tinh" thì trong quá trình chơi đối thủ vẫn có thể mắc những lỗi ngớ ngẩn để ta tận dụng. Điều đó cũng có thể nhưng chỉ là cách nghĩ cầu may, "há miệng chờ sung", không có gì là chắc chắn cả. Cũng không hề có lời khuyên rằng cứ học cho hết khai cuộc rồi hãy học tàn cuộc và trung cuộc. Điều chủ yếu muốn nói ở đây là: Cái gì cũng phải học, học cho tới nơi tới chốn, nhưng phải đặc biệt chú ý tới khai cuộc. Học khai cuộc cũng không phải bạ gì đọc nấy mà phải học có phương pháp. Học từ dễ tới khó, từ nông tới sâu, học có trọng điểm rồi từ đó mới mở rộng ra chứ không phải một lúc mà ôm được tất cả. Học đi rồi phải học lại, người ta gọi là học theo hình xoắn ốc, lần sau cũng vấn đề đó nhưng khó hơn, phức tạp hơn lần trước. Có chí thì nên.

Cuối cùng là học, là nghiên cứu phải đi đôi với thực đấu, tức là phải ứng dụng một cách có hiệu quả những gì mình đã học được, cố gắng tránh bằng được những sai lầm mình đã mắc phải, lần sau chơi khai cuộc tiến bộ hơn lần trước, nhớ được nhiều phương án hơn. Tất cả kiến thức của mình phải được thể hiện trên bàn cờ chứ không phải ở những cuộc tranh luận suông.

Ngày nay cờ không chỉ còn là thú chơi giải trí hay thư giãn đơn thuần, nó còn là môn thể thao, là những cuộc thi đấu, đọ tài qua những trận cờ sôi nổi quyết liệt để phân thắng bại. Ai muốn giỏi hơn, vươn lên đỉnh cao hơn thì không phải chỉ qua kinh nghiệm, qua chơi mãi mà giỏi, đó là cách nghĩ đã "xưa rồi", bởi tất cả các môn thể thao ngày nay đều phải đi vào chuyên nghiệp và bài bản.

Cờ Vua cũng thế, cờ Tướng cũng thế mà cờ Vây cũng thế. Bạn muốn đi vào thể thao ư, thì bạn cũng không bao giờ là một ngoại lệ cả!

Ý kiến của bạn?

Tùng Lâm
Nguồn: Người chơi cờ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

domain, domain name, premium domain name for sales

Popular Posts